Những vị khách đầu tiên

Du lịch - Ngày đăng : 05:42, 10/02/2023

Những ngày này, đường vào vùng Sa Lôn, một con đường chạy giữa rừng nguyên sinh, cách trung tâm xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) 11,5 km nhộn nhịp người đi lại. Đa số là đồng bào K’ho ở xã La Dạ và Đông Giang. Trên mỗi chiếc xe máy, đều thấy mang thức ăn, nước uống trước đầu xe.

K’ Siêng, 30 tuổi, trẻ trung trong chiếc áo thun bó sát, đi xe Wave, phía sau chở một người đàn ông, nói: “Tuần sau, mới dọn rẫy vớ! Bữa này rủ thằng chồng đi chơi. Thăm Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận vớ”. Chồng K’ Siêng là K’ Ba. Mấy năm trước, K’ Ba hay vô núi Sa Lôn bứt mây rừng, hôm nay có nói với vợ là sẽ chỉ cho cô xem dấu tích bếp Hoàng Cầm, đường hầm thoát hiểm của khu căn cứ trước đây, nên cả vợ và chồng đều quyết tâm đi sớm. Hai vợ chồng như nhiều người coi chuyến đi vô căn cứ Sa Lôn là chuyến du ngoạn tìm hiểu trước khi bắt tay vào mùa màng.

vi-khach.jpg

Sa Lôn nằm trên bực thềm bình nguyên và vùng rừng núi Bình Thuận - Nam Tây Nguyên. Vùng Sa Lôn rộng chừng 10 km2. Đông giáp xã Hàm Phú, Tây giáp xã La Dạ, Hàm Thuận Bắc, Nam giáp Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) và phía Bắc giáp xã Sơn Điền, Di Linh, Lâm Đồng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân tại Sa Lôn 3 lần, hơn 8 năm: Tháng 12/1954 - 6/1957, giữa năm 1961 - tháng 12/1964, tháng 9/1968 - tháng 8/1970. Tại đây, diễn ra Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận; Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964)…

Năm 2016, Tỉnh ủy Bình Thuận chọn Sa Lôn làm nơi xây dựng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến.

Cuối năm 2022, sau 1 năm khởi công xây dựng, khu di tích hoàn thành, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Vì mang đậm dấu tích lịch sử, khu di tích tỏa sức hút mạnh mẽ. Vì vậy, kể từ khi đơn vị xây dựng cắm tấm bảng chỉ đường vào khu di tích ở ngã ba Đông Giang, đồng bào náo nức muốn đi thăm. Tại khu di tích còn thơm mùi vôi vữa, đồng bào theo các con đường nhỏ, thăm các công trình, nhà trưng bày, hội trường, nơi làm việc của cán bộ lãnh đạo. Có người ngược lên núi Sa Lôn tìm con suối dẫn nước về bếp ăn xưa. Háo kỳ và thành kính, từng tốp từng tốp tham quan, trò chuyện một cách vừa đủ nghe, kể cả khi dừng nghỉ chân trong các ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi.

Tôi có dịp tiếp chuyện với phụ nữ trẻ khác, khi cô sửa soạn ăn trưa, cũng như vui vẻ mời khách, thử đọt mây nướng xem ngon ngọt cỡ nào! “Bây giờ, Đông Giang có điểm tham quan rồi”- cô nói và cười hồn nhiên.

Nét mặt, nụ cười làm tôi tin cô chân thành!                                

Hà Thanh Tú