Nghĩ về mẹ
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:50, 10/02/2023
Bao giờ cũng vậy, con người luôn hoảng hốt thấy mình bé nhỏ, bất lực khi đem cái hữu hạn của bản thân đối chọi với cái vô hạn, vô cùng của cuộc sống thường hằng muôn màu, nghìn vẻ. Thật bất hạnh và vô phúc cho ai - vì một lý do nào đó, không được mẹ chở che, nâng dắt trong đời. Bao nhiêu tuyệt tác nghệ thuật trong kho tàng nhân loại lấy cảm xúc từ hình tượng người mẹ dường như chẳng thấm vào đâu khi soi rọi vào dáng hình cụ thể của từng người mẹ trên trái đất này. Ở phương Đông, có biết bao nhiêu câu chuyện luôn làm ta rơi nước mắt, khi nhắc đến mẹ. Nhà văn Võ Hồng, trong tùy bút Nghĩ về mẹ, từng kể lại câu chuyện dân gian “Bát canh hẹ”, với nội dung tóm tắt như sau: “…Một tù nhân một hôm nhìn mâm cơm, thấy có bát canh hẹ liền khóc òa, bảo người cai ngục: Tôi biết là mẹ tôi vừa tới thăm tôi, nhờ ông chuyển cho bát canh hẹ này. Vì hồi ở nhà, mẹ tôi thường nấu canh hẹ cho tôi ăn…”. Có một câu châm ngôn phương Tây nói về mẹ từng đeo đẳng và ám ảnh tâm trí tôi từ những năm còn ngồi ghế nhà trường: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim người mẹ”. Vâng! Mẹ là kỳ quan sừng sững của nhân loại, đồng thời mẹ là kỳ quan của mỗi một số phận, mỗi một con người nhỏ bé và cụ thể. Bởi vì, ngoài những đức tính cao quý chung nhất của những người mẹ trên thế giới này thì mỗi người trong chúng ta lại có một hình dung rất riêng, rất thiêng liêng về đấng sinh thành của mình.
Tôi lớn lên từ vùng đất duyên hải cực Nam của miền Trung nắng gió. Ngược về quá khứ, mảnh đất này từng là nơi hiện hữu của nền văn hóa Chăm-pa rực rỡ mà mãi đến hôm nay vẫn còn đủ sức làm mê hoặc và rung động lòng người. Mẹ tôi là bà mẹ quê chân chất, hiền lành như bao bà mẹ quê mùa khác. Dòng sữa mẹ nuôi tôi lớn khôn được kết tinh từ hương đồng cỏ nội trải qua lũ, hạn, bão, giông khắc nghiệt muôn đời của hóa công. Mẹ ru tôi bằng ngôn ngữ của một loại Kinh Thi được chưng cất từ ca dao, cổ tích, hò vè dân gian. Tôi được hít thở bầu không khí dân dã, trong lành nơi đồng đất quê nhà, luôn đầy ắp và chứa chan nghĩa nặng, tình sâu của mẹ. Thế mà, quá nửa đời người nếm trải, tôi chưa làm được gì cho mẹ trọn vẹn một ngày vui. Mang bộ mặt quan tòa thời gian cứ lạnh lùng trôi qua, tuổi đời cứ theo đó mà ngày thêm chồng chất. Không thể nào đếm được trong những vết nhăn hằn dọc ngang trên trán mẹ, có bao nhiêu nếp nhăn đã sinh ra từ sự vô ơn, bất hiếu của đàn con. Đắng cay, nhọc nhằn và bao nhiêu điều phiền lụy cố hữu của cuộc đời cứ gặm mòn dần nhựa sống chắt chiu của mẹ khi trời chiều, bóng xế. Mẹ vẫn thản nhiên nhận cả vào mình, không một tiếng than van, không một lời trách móc. Vậy mà, có đôi khi, do nông nổi, vội vàng, trẻ người, non dạ, chúng ta đã vô tình trút thêm lên đôi vai gầy guộc của mẹ những gánh nặng vô hình như núi tảng.
Mẹ ơi! Con đã viết và in những bài thơ về mẹ nhưng dường như những chữ nghĩa vô hồn kia không làm vơi được một chút nặng nề nào trên đôi gánh luôn oằn vai mẹ giữa hun hút đường xa.
Mẹ ơi! Con cứ lo sợ rằng cho đến ngày bàn tay hái quả của mẹ mỏi mòn, run rẩy đưa lên mà con vẫn còn là một thứ quả non xanh, chín muộn giữa cây đời(*).
(*): Mượn ý hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Tôi hoảng hốt ngày bàn tay mẹ mỏi/Mình vẫn còn là thứ quả non xanh.