Những kết quả ban đầu trong thực hiện chuyển đổi số ở Tánh Linh

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:29, 14/02/2023

Chuyển đổi số là lĩnh vực mới, dù vậy Tánh Linh đã tập trung triển khai các nội dung liên quan theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh và đã mang lại những kết quả ban đầu…

Thời gian qua, việc đầu tư phát triển hệ thống mạng nội bộ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh luôn được quan tâm chú trọng. Theo đó, mạng LAN nội bộ kết nối các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện và ở cấp xã - thị trấn tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đến nay trang thiết bị công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị, địa phương cũng tương đối đầy đủ nhằm đảm bảo yêu cầu công việc hàng ngày. Ngoài ra trong năm qua, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án “Nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại” (giai đoạn 2021 - 2023), tiến hành thực hiện đề án nâng cấp Bộ phận một cửa UBND các xã Đức Phú, Bắc Ruộng, Đồng Kho, Nghị Đức đảm bảo tiến độ…

ho-tro-ho-ngheo-mua-dien-thoai-thong-minh.jpg
Điện thoại thông minh góp phần đáp ứng xu hướng chuyển đổi số hiện nay (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, Tánh Linh tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) cũng như số hóa văn bản, tài liệu… Việc triển khai sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh (Quản lý văn bản và điều hành, Quản lý cán bộ công chức, Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công…) tiếp tục duy trì thực hiện. Qua đó góp phần phát huy hiệu quả trong điều hành, giải quyết công việc được thuận tiện, nhanh chóng và giảm chi phí in văn bản để hướng tới chính quyền điện tử, chính quyền số, văn phòng “không giấy tờ”.

Đến nay 13/13 UBND các xã - thị trấn trên địa bàn Tánh Linh đều xây dựng kế hoạch triển khai, huy động Mặt trận và đoàn thể (nhất là đoàn viên thanh niên) hỗ trợ cùng với chính quyền cấp xã. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện 100% các trường phổ thông đã sử dụng hệ thống Vnedu, 95% trường trung học cơ sở xây dựng hệ thống lưu trữ giáo án một cách khoa học, bảo mật. Trong khi lĩnh vực y tế đang ứng dụng phần mềm VNPT-HIS vào khám chữa bệnh phục vụ, trung bình một năm có khoảng 180.000 lượt bệnh nhân khám và hơn 13.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện. Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng chủ động làm việc với đơn vị chức năng, từng bước xúc tiến triển khai hướng dẫn cho hộ nông dân quảng bá và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart…

Theo UBND huyện Tánh Linh, thực hiện chương trình chuyển đổi số được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng ngành, địa phương. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc triển khai trên địa bàn huyện còn gặp một số tồn tại, khó khăn mà nhất là về nguồn nhân lực vì hầu hết đều kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc rất lớn… Thêm vào đó trình độ, kỹ năng của người dân về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị số hoặc các phần mềm, ứng dụng lại có phần hạn chế. Hiện còn nhiều người dân, hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin mới về nội dung chuyển đổi số...

Do vậy địa phương kiến nghị các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh tiến độ phổ cập điện thoại di động thông minh để người dân sở hữu phương tiện, thiết bị triển khai chuyển đổi số. Trước mắt là hỗ trợ điện thoại thông minh cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, ngoài ra có ý kiến với nhà mạng nhằm hỗ trợ gói cước dữ liệu di động cho các thành viên. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, Tánh Linh cũng rất cần hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện vào thời gian tới…

Đ.QUỐC