Sổ tay phóng viên: Chờ “tan băng”
Kinh tế - Ngày đăng : 05:44, 15/02/2023
Tuy mới trao đổi và ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn khi khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất tăng cao cũng như sự khẳng định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc không có chỉ đạo siết chặt khoản tín dụng bất động sản. Với chừng ấy thông tin cũng đã dấy lên niềm hy vọng cho doanh nghiệp và cả người dân về việc thị trường bất động sản sẽ “tan băng” trong nay mai.
Ngược lại thời gian từ đầu năm 2022 đến khoảng tháng 8 thị trường bất động sản sôi động khác với những năm trước. Có lúc giá trị bất động sản rất ảo bởi do đội ngũ "cò đất" đông như hội. Từ đất nền đến đất rẫy, đất phi nông nghiệp đều bị thổi giá chóng mặt. Cho đến tháng 9/2022, thị trường bất động sản bất ngờ “đóng băng” đột ngột khiến không ít người đầu tư chới với. Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và người kinh doanh bất động sản tranh thủ “cắt lỗ” nhưng cũng không bán được, giá bất động sản giảm sâu nhưng vẫn không có người mua. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn ngân hàng đầu tư đối mặt với khoản trả lãi ngân hàng cũng như những khoản vay đến hạn trả nợ nhưng không có nguồn để tất toán khoản vay. Một số người phải vay nóng bên ngoài để “chữa cháy” trả nợ cho ngân hàng với hy vọng sẽ được vay lại. Tuy nhiên, một số ngân hàng do hết “room” tín dụng hoặc khách hàng không đủ điểm tin cậy nên không giải quyết cho vay lại khiến nhiều người chơ vơ. Từ đây, nhiều người vay vốn ngân hàng trót mua đất giá cao với hy vọng “sang tay” nhanh kiếm lãi phải vỡ mộng, có người rao bán giá chỉ bằng 2/3 giá mua ban đầu nhưng vẫn không có người mua. Có người không xoay được tiền để trả lãi ngân hàng phải chịu nợ xấu. Một số ngân hàng tăng suất huy động và lãi suất cho vay khiến thị trường bất động sản khó khăn càng khó khăn hơn… Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho hay dư nợ bất động sản cuối năm 2022 khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2002, lĩnh vực bất động sản cũng có nợ xấu tăng từ 1,67% lên 1,81% so với năm trước. Vì vậy cần có cơ chế tín dụng phù hợp để cải thiện thị trường bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chỉ đạo kịp thời về giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ để tạo điều kiện nhà đầu tư bất động sản có thêm thời gian xoay xở. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định các ngân hàng tích cực hợp tác với nhà đầu tư bất động sản để 2 bên cùng có lợi, tạo mối quan hệ cộng sinh.
Tại Bình Thuận, thị trường bất động sản cũng nằm chung trong guồng thị trường bất động sản cả nước. Tuy nhiên, Bình Thuận đang có một số lợi thế khi tháng 4 tới đây 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây khánh thành, cơ hội đầu tư bất động sản cho lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng hoặc sản xuất sẽ “sáng hơn”. Và với sự tháo gỡ khó khăn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, hy vọng thị trường bất động sản trong nước cũng như ở Bình Thuận sẽ sớm “tan băng”…