Kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995 - 16/2/2023) Cải cách thủ tục hành chính trên không gian số
Xã hội - Ngày đăng : 08:56, 16/02/2023
Việc thực hiện các dịch vụ trên không gian số đã giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, dễ dàng kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp số thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) và chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin, tổ chức. Trên nền tảng ứng dụng CNTT sẵn có, cơ quan BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ như: Tin nhắn; thanh toán trực tuyến; ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội, cung cấp tất cả các dịch vụ công cấp độ 4.
Điểm nhấn quan trọng về chuyển đổi số trong 2 năm gần đây là ứng dụng VssID-BHXH số. Ứng dụng này có rất nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Việc ứng dụng VssID góp phần vào công cuộc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Kể từ khi triển khai ứng dụng “VssID – BHXH số” đến nay Bình Thuận đã có 197.280 người đăng ký cài đặt VssID (đạt 47,6%) sử dụng ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy hiện hữu; dịch vụ công; thanh toán trực tuyến… Ngành BHXH cũng đã liên kết tài khoản ngân hàng để đóng BHXH, BHYT điện tử. Với việc liên kết ví điện tử, tài khoản ngân hàng, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện việc trích nộp các khoản BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trực tiếp trên hệ thống điện tử của cơ quan BHXH mà không cần phải ra ngân hàng thực hiện chuyển khoản hay thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba. Hoặc thực hiện nộp trực tuyến đóng tiếp BHXH tự nguyện và tham gia BHYT theo hộ gia đình trên ứng dụng VssID.
Ngay sau đó, hệ thống của BHXH sẽ tự động ghi nhận quá trình tham gia BHXH tự nguyện và cấp thẻ BHYT cho người tham gia, giúp tiết kiệm thời gian và giảm các sai sót, rủi ro. Qua đó, đảm bảo quyền lợi của người tham gia, cũng như minh bạch thông tin quá trình đóng BHXH, BHYT của người dân. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng nhanh, vượt tỷ lệ BHXH Việt Nam giao cho Bình Thuận. Đến nay, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua ATM chiếm 63,6%; chi trả BHXH một lần qua ATM chiếm 88,3%; chi trả trợ cấp thất nghiệp qua ngân hàng chiếm 96,9%.
Trong lĩnh vực hoạt động giám định BHYT, BHXH đã thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB và đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động có hiệu quả, nhằm kiểm soát được chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT hướng tới quản lý và sử dụng quỹ BHYT tốt hơn. Nổi bật nhất là ứng dụng CNTT để giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ liên quan đến chính sách BHXH, BHYT. Trong năm 2022, cơ quan BHXH đã tiếp nhận 215.099 lượt hồ sơ, tăng 5.098 hồ sơ (tăng 2,7%) so cùng kỳ năm 2021; trong đó tiếp nhận 151.496 hồ sơ đơn vị qua giao dịch điện tử (GDĐT) chiếm 96,8%, GDĐT hồ sơ ngắn hạn đạt 99,85%. Hiện nay toàn tỉnh có 3.818 đơn vị đăng ký thực hiện GDĐT với cơ quan BHXH đạt 98,8%, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2022 và đã thực hiện số hóa 66.198 hồ sơ. Qua lấy phiếu khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với sự phục vụ của ngành BHXH đã có 97,55% ý kiến của cá nhân, tổ chức hài lòng về quy trình giải quyết TTHC, về thời gian, kết quả giải quyết hồ sơ, về thái độ phục vụ người dân của cơ quan BHXH (không có phiếu đánh giá không hài lòng).