Suy tư cùng “Sa mạc một lần mưa”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:54, 17/02/2023
Tập sách gồm 15 truyện ngắn. Những truyện ngắn ấy đã từng được tác giả gởi đăng ở các báo, tạp chí: Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Giáo dục – Thời đại, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, Báo Bình Thuận, từ năm 2006 đến năm 2021. Mười lăm năm, để tập sách được xuất bản lần này, phần nào nói lên sự bền bỉ, kiên trì cho một trong những niềm đam mê của anh: Sáng tác truyện ngắn.
“Sa mạc một lần mưa” đề cập đến nhiều đề tài: Lòng yêu nước, cảnh sắc của quê hương, lịch sử quê hương, tình mẹ, tình yêu, tình người sau cuộc chiến, về mái trường, về đất đai, cùng những đề tài khác. 15 truyện ngắn trong tập, đa phần có bối cảnh Bình Thuận.
Nhân vật trong những sáng tác ở tập sách xuất bản lần này đa dạng: Đó là người thương binh, trước là sinh viên, vào bộ đội đặc công, bị thương nặng, sau ngày giải phóng về Bình Thuận sinh sống, giúp một học sinh ôn thi vào đại học (Ngoại ô vườn nắng); Là người mẹ già mãi nhớ về người con trai yêu dấu qua đời sát ngày miền Nam giải phóng (Phía bên kia núi); Một cựu binh sĩ viễn chinh Pháp từng đóng quân ở Bình Thuận (Có một nhiệt đới buồn); là những người nông dân sống ở vùng đồi cát bạt ngàn của Bình Thuận (Sa mạc một lần mưa); là người làm nghề hướng dẫn lữ hành (Sứ giả văn hóa); là nữ kiến trúc sư (Phía bên kia núi); những cựu học sinh Trường Phan Bội Châu, nay đã định cư ở nước ngoài, về thăm lại quê hương (Áo thủy tinh); những nhân vật yêu nước nổi tiếng của Bình Thuận, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu chống thực dân Pháp: Ung Chiếm, Cao Hành (Thể phách); con của một Việt kiều về thăm quê (Bắn vào bóng tối); người làm nghề tư vấn về đất, người làm tranh cát nghệ thuật (Linh quyển của đất); cùng những dạng nhân vật khác.
Đọc “Sa mạc một lần mưa” của nhà giáo – nhà văn Đặng Ngọc Hùng, độc giả dễ nhận ra: Suy tư của tác giả trước những biểu hiện đa dạng của cuộc sống. Có những nỗi đau dai dẳng, khó nguôi của người mẹ mất con trong cuộc chiến; có những nỗi hối hận kéo dài trong lòng người lính viễn chinh Pháp khi lỡ giết ân nhân; thời gian dần chữa lành những vết thương lòng của những con người; nỗi nhớ quê hương da diết của bà con Việt kiều; nỗi mong mỏi không còn sự chia rẽ, gọi về ánh sáng…
Một đặc điểm rất dễ nhận ra trong những truyện ngắn của tác giả Đặng Ngọc Hùng: Từ dùng luôn thay đổi. Qua 15 truyện ngắn trong tập, nhà giáo - nhà văn Đặng Ngọc Hùng đã thể hiện là một người viết văn rất giàu vốn từ. Đây có lẽ là đặc điểm nổi trội của ngòi bút Đặng Ngọc Hùng. Tác giả đã sử dụng cả vốn từ chung, phương ngữ Bình Thuận và cả những từ anh dùng riêng theo cách của mình. Chính sự đa dạng, luôn thay đổi này của từ ngữ anh dùng góp phần tạo sự hấp dẫn, thú vị khi độc giả đọc những sáng tác của anh.
Xin được lược dẫn một vài trường hợp. Tác giả đã diễn tả các trạng thái của nắng. “Nắng, xứ chị nắng lắm. Nắng tươi rói. Nắng đầu ngày reo đến xao xuyến” (Trang 113). “Nắng chuyển từ tái sang vàng. Dải bình nguyên hiện ra thật sắc nét. Lưng của nó có màu của gạch quá lửa” (T.47). “Nắng hừng hực” (T.55). “Ở sa mạc chỉ cần nắng lên, cát khô là khái niệm không – thời gian bị biến mất” (T.56). “Nắng giữa trưa đã quánh lại” (T.15). “Không phải nắng mà là lửa, thứ lửa mỏng mịn vàng óng của miền Nam Trung phần hừng hực phả vào quân Pháp” (T.24). “Trời váng vất nắng” (T.90). “Nắng ngùn ngụt” (T.90) “Nắng rừng rực” (T. 95)…
Với mưa, nhà văn đã có những sự so sánh, diễn đạt khác nhau: “Trời mưa dai nhách” (Trang 54). “Trời mưa quằn quặn như người động kinh” (T.54). “Giữa sa mạc mưa rít từng cơn” (T.55). “Nhìn quanh là sa mạc, mưa cheo chéo” (T.55). “Trời bỗng mưa như nấu cháo” ( T.162). “Mưa buồn như một nỗi chết” (T.98). “Hồi chiều, cơn mưa lịm đi, mây đen vẫn bám lì trên bầu trời thành phố cho đến giờ” (T.148). “Đêm, họ nằm nghe bản giao hưởng đan dệt bằng những giọt buồn mưa phùn” (T.157)…
Tác giả Đặng Ngọc Hùng cũng đã có sự so sánh của riêng anh khi anh diễn tả về địa danh Sa Ra: “Cái tên làng gieo vào tôi ý niệm về một rẻo khuất mịt mùng nhưng hóa ra nó nằm dọc hai bên quốc lộ như một cái áo hai tà” (Trang 43). Đây là những sự so sánh khác: “Hình hài người co một chân lên và ú ớ những thanh âm nghe như tiếng bột lọt qua rây” (T.50); “Cát bay tứ tung, quất vô mặt đau như ai liệng mảnh sành” (T.53)…
Tôi tán thành ý kiến của tác giả Trúc Phan khi chị viết về tập truyện ngắn “Sa mạc một lần mưa”: “Một điểm nổi bật nữa trong phong cách nghệ thuật của tác giả đó chính là việc sử dụng bút pháp huyền ảo… Bằng việc sử dụng nhiều chi tiết kỳ ảo, tác giả đã đẩy nhân vật lên thành những biểu tượng đa nghĩa”.
Người đọc đã rơi nước mắt theo những dòng văn giàu cảm xúc của tác giả: “Con trai bà đi qua thế giới bên kia với mấy lon thịt vịt. Cái vết nám do thằng Hai vụng về treo pháo sát tường vẫn còn kia. Nó, cái vết cháy đó, cũng bị mắc kẹt vào số phận ngôi nhà già cỗi” (Phía bên kia núi).
Tác giả Đặng Ngọc Hùng cũng đã có những liên tưởng thú vị và riêng biệt về công việc của người hướng dẫn lữ hành, một nghề đòi hỏi phải luôn bồi đắp kiến thức, nhất là những hiểu biết về quê hương, nếu muốn ngày một tiến bộ trong nghề nghiệp: “Đời hướng dẫn lữ hành như con vạc cô độc kêu sương không ai hay, hiểu biết bao nhiêu cũng không đủ, và ngày nào cũng là ngày đi thi” (Sứ giả văn hóa).
Đây là sự diễn đạt rất thơ của nhà văn trong một khung cảnh chẳng thơ mộng một chút nào: “Biết bao thân phận tái sinh từ cái lớp trầm tích bán thân bất toại kia. Có lúc từ câu chuyện thẳm xa như cái sa mạc hoang quạnh mà người kể đã lầm lũi băng qua, có một chi tiết nào đó hiện ra như một chòm cây hiếm hoi trên vô vàn trảng cát mịt mùng” (Sa mạc một lần mưa).
Nét đẹp của cây phượng tím chính gốc Pháp ở thành phố Đà Lạt dưới góc nhìn của tác giả: “Hồi chiều, cơn mưa lịm đi, mây đen vẫn bám lì trên bầu trời thành phố cho đến giờ. Nó, cái cây phượng chính gốc Pháp, đang lấy lá trở lại sau khi khoe cái màu tím thẫm bản thể không lẫn vào đâu được trên con phố chợ hồi mấy tháng trước trong mùa nắng lạnh” (Phía bên kia núi).
Đọc “Sa mạc một lần mưa” của tác giả Đặng Ngọc Hùng, độc giả dễ bị cuốn theo những suy tư của anh trước những phận người, những việc đời, trong và sau cuộc chiến. Sự hòa hợp cùng nhau, sống chan hòa cùng nhau, cùng lao động, hợp sức xây dựng quê hương sau ngày giải phóng của những con người thuộc nhiều thế hệ vẫn hiện diện trong những sáng tác của anh. Giữa nhiều vấn đề anh đề cập, đằm sâu hơn cả vẫn là tình mẹ bao la đối với người con thương yêu của mình.
Những sáng tác của nhà giáo - nhà văn Đặng Ngọc Hùng đã từng nhận được sự đánh giá cao của người trong văn giới và độc giả, cả trong và ngoài tỉnh. Hy vọng rằng, thời gian tới, độc giả sẽ còn tiếp tục đọc được những sáng tác mới, hấp dẫn hơn nữa của anh.