Giữ lửa tình yêu sau kết hôn

Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 17/02/2023

Người ta hay nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Thực tế thì cũng hao hao vậy, khi tình yêu không thành người ta hay nhớ về nhau với những kỷ niệm đẹp, hay tiếc nuối.

Còn khi đã thành vợ thành chồng, phải chịu đựng những thói xấu của nhau, hình ảnh đối phương không còn lung linh như hồi mới yêu nữa. Cuộc sống hôn nhân đòi hỏi hai người phải thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày, thậm chí phải hy sinh những thú vui của mình dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Thế là lục đục cãi nhau. Khi nóng giận thì ai cũng muốn mình hơn, cố cãi cho thắng. Ai không kiềm được cơn giận thì dễ hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với bạn đời. Hôn nhân rạn nứt từ đó.

vo-lam-duoc-4-dieu-nay-cuoi-nhau-10-nam-tinh-cam-van-ngot-ngao-nhu-luc-moi-yeu-doisongtieudung_094258_496795966_0-1537072299-width500height375.jpg

Vậy, giữ lửa tình yêu sau khi kết hôn khó hay dễ?

Thật ra thì vợ chồng nào cũng sẽ có lúc “canh không lành, cơm không ngọt”, điều quan trọng là lựa chọn xử lý ra sao thôi. Có những cặp vợ chồng hễ gây nhau thì cả xóm đều biết. Nhưng, cũng có những đôi vợ chồng chẳng bao giờ thấy to tiếng với nhau. Không to tiếng cãi nhau không có nghĩa là họ không gây nhau. Một cô bạn tâm sự, hai vợ chồng mỗi khi gây nhau thì không cãi nhau um sùm mà thực hiện chiến tranh lạnh, mạnh ai nấy ngủ. Vợ ngủ trong phòng, chồng ra phòng khách ngủ ghế sofa. Cơm nước tự mỗi người lo. Thường thì vợ nấu cơm cho con ăn, còn chồng cứ đi ăn quán. Cứ chiến tranh lạnh như thế cho tới khi nào một trong hai bên chịu làm lành. Bởi không bao giờ to tiếng cãi nhau nên hàng xóm lúc nào cũng khen hai vợ chồng hạnh phúc. Cô bạn bảo mỗi khi nghe ai khen vậy đều cười mỉa, bụng thầm nghĩ “chẳng biết ly dị lúc nào đây”.

Mà thực, thường những cặp vợ chồng ít cãi vã to tiếng, gây gổ um sùm lại có tỷ lệ ly hôn cao hơn. Lý giải về điều này, anh P, một người đã trải qua 3 đời vợ cho hay: Thật ra vợ chồng nào cũng có xích mích, gây gổ nhưng những cặp vợ chồng ít gây nhau um sùm, thường họ im đi vì giữ sĩ diện. Cứ thế mỗi lần gây nhau thì ấm ức lại dồn vào lòng một ít. Càng lâu ngày, họ càng bức bối vì nỗi ấm ức cứ phình to dần, cho rằng đối phương chẳng thể hiểu mình, sống chung chỉ càng kéo dài thêm chịu đựng. Vậy là ly dị. Còn những cặp vợ chồng hễ xích mích là gây um sùm thì lại khác. Có gì ấm ức trong lòng họ đều la làng lên, nói hết ra nên sau khi làm lành với nhau thì trong lòng không còn nặng nề nữa. Mỗi lần gây nhau là một lần hiểu mong muốn của đối phương và ít nhiều tự điều chỉnh. Bởi vậy những cặp vợ chồng này lại ít ly hôn.

Khảo sát thêm vài cặp vợ chồng hay gây nhau to tiếng, thấy lời giải thích của anh P là hợp lý. Một đồng nghiệp cho hay, hai vợ chồng nóng tính như nhau nên mỗi lần gây nhau thì cả xóm đều hay. Mỗi lần như vậy hai vợ chồng đều “nói cho ra nói”, tức là có gì bực bội nhau đều nói hết ra. Có điều, hết hồi thì thôi. Sau khi làm lành thì lại anh – em ngọt sớt. Nên hồi mới cưới về tưởng giỏi lắm ở chừng một năm chia tay thì giờ đã có hai mặt con lớn vẫn chung một nhà.

Như vậy, việc vợ chồng cãi vã nhau là chuyện không tránh khỏi khi về sống chung với nhau. Không ai dám mạnh miệng khẳng định vợ chồng không bao giờ mâu thuẫn gì với nhau cả. Chỉ là cách giải quyết những mâu thuẫn đó như thế nào mà thôi. Ngồi lại nói hết cho nhau nghe, tìm phương án giải quyết vẫn là cách hay nhất. Quan trọng là, hai bên có chịu lắng nghe nhau, có chịu thay đổi những điểm chưa tốt của bản thân để cho hòa hợp với người còn lại hay không thôi.

Giữ lửa tình yêu sau hôn nhân thực sự là khó. Nó đòi hỏi sự khéo léo từ hai phía cả vợ và chồng. Khen khi đối phương làm được một việc tốt hay rủ cả nhà đi ăn, uống cà phê vào mỗi dịp cuối tuần cũng là một cách hay. Chị L tâm sự, mỗi lần hai vợ chồng gây nhau rồi làm lành, chị thường chọn mua những món chồng thích, bày biện nấu cho chồng ăn, rồi những lúc vợ chồng gần gũi thường thủ thỉ khuyên bảo chồng cố gắng giữ gìn hạnh phúc gia đình. Sau những lần như vậy, chồng chị có sự thay đổi rõ rệt, thường về nhà sau khi tan ca, phụ vợ vài việc nhà và dạy dỗ con cái. Chị bảo: Ai mà muốn đổ vỡ hôn nhân đâu, nên cho dù vợ/chồng nhiều tật xấu đến đâu, chỉ cần xác định gia đình là quan trọng nhất thì vẫn cố gắng thay đổi dần được.

Trúc My