Vốn vay ngân hàng giúp phục hồi sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 05:26, 20/02/2023
Theo đó vốn tín dụng được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 73,55% tổng dư nợ), lĩnh vực ưu tiên và gắn với việc thực hiện các chính sách của ngành, địa phương, góp phần khai thác thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 42.601,7 tỷ đồng, tăng 7,22% so với cuối năm 2021, chiếm 53,34% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.827 tỷ đồng, tăng 3,7% so cuối năm 2021, chiếm 21,1% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu 530,8 tỷ đồng, giảm 6,8% so cuối năm 2021, chiếm 0,66% tổng dư nợ…
Vốn vay ngân hàng và doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất được ví như việc cộng sinh, nếu 2 bên cùng hợp tác tốt sẽ cùng có lợi nhuận. Nhất là sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Hầu như các lĩnh vực sản xuất bị đình trệ, đầu năm 2022, khi bước vào phục hồi sản xuất hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều cần vốn, lúc này ngân hàng là phao cứu sinh. Nguồn vốn ngân hàng rót về cơ sở sản xuất kinh doanh là yếu tố sống còn giúp các cơ sở , đơn vị, doanh nghiệp tái đầu tư và tìm lại thị trường. Không riêng gì những cơ sở sản xuất lớn, mà ngay người nông dân cũng cần vốn để thâm canh ruộng, vườn được tốt hơn, đáp ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao. Từ đây Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất kéo dài đến cuối năm 2023 để giúp nền kinh tế phục hồi.
Ở Bình Thuận, Agribank là đơn vị làm khá tốt khâu cho vay với lãi suất ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ như thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31 của Chính phủ. Ngoài thực hiện Nghị định 31, Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận cũng chủ động thực hiện một số chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi khác nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, cụ thể: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm 31/12/2022. Toàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Quyết định (QĐ) 535, QĐ 865 và QĐ 1884 với tổng dư nợ gốc cơ cấu lũy kế là 1.008 tỷ đồng, lãi cơ cấu lũy kế là 113,1 tỷ đồng. Vượt qua thời gian khó khăn, nhiều khách hàng đã tất toán các khoản nợ cơ cấu, nên số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đến nay, dư nợ cơ cấu hiện tại còn 27,5 tỷ đồng gốc và 4,8 tỷ đồng tiền lãi. Miễn giảm lãi, hạ lãi suất theo QĐ 535, 865, 1884 có dư nợ được miễn, giảm lãi lũy kế đến 31/12/2022 là 73 tỷ đồng (mức lãi suất giảm 1 - 2 %/năm). Điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi để thu hồi nợ sau xử lý trong điều kiện dịch Covid-19 với tổng số tiền lãi được giảm sau điều chỉnh là 86 tỷ đồng/2.688 khách hàng. Cho vay ưu đãi xuất khẩu áp dụng đối với các khoản giải ngân ngắn hạn phát sinh từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022.
Dư nợ ưu đãi đến thời điểm hiện tại là 69 tỷ đồng, số tiền phí dịch vụ thu được đến 31/12/2022 là 174 triệu đồng. Cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn 2022 có dư nợ ưu đãi đến thời điểm hiện tại là 83 tỷ đồng, số tiền phí dịch vụ thu được đến 31/12/2022 là 210 triệu đồng. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp có dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đến tháng 12/2022 là 1,373 tỷ đồng, giảm 8,254 tỷ đồng so đầu năm và chiếm tỷ trọng 0,04% trên tổng dư nợ...
Bên cạnh Agribank, một số ngân hàng khác như Vietcombank, Viettink, BIDV cũng thực hiện khá tốt các chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Từ nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời cũng như triển khai đồng bộ chủ trương ưu đãi lãi suất của Chính phủ, ngành ngân hàng đã góp phần tích cực hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất giúp nền kinh tế tăng trưởng…