Phú Quý: Giữ vững môi trường biển, khai thác tour lồng bè

Xã hội - Ngày đăng : 05:50, 20/02/2023

Đã đôi lần tôi ra tham quan lồng bè Phú Quý nhưng mỗi khi đến đây đều cảm thấy thích thú bởi vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của biển. Khoảng cuối năm rồi cũng vậy, trong chương trình Du lịch xanh do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bình Thuận đăng cai ở đảo Ngọc (tên gọi khác của Phú Quý), tôi lại có dịp ra vùng biển trong xanh này.

Khám phá lồng bè Lạch Dù

Đoàn chúng tôi hôm ấy hầu hết là những người trẻ tuổi, việc ra mép biển lên ca nô không mấy khó khăn. Mọi người cũng cẩn thận mang áo phao, ngồi đều hai bên mạn xuồng; khi ấy anh tài công nhẹ nhàng điều khiển xuồng quay mũi lướt sóng xanh ra bè. Nằm trong vùng vịnh, sóng nhẹ, nước biển trong xanh hiện rõ những rạn san hô trắng hòa lẫn vài màu khác bên dưới đáy, sâu chừng 5 - 6m. Rạn san hô bắt mắt này hầu như tỏa khắp trong khu vực biển Lạch Dù nuôi trồng hải sản rộng gần 1 ha mặt nước, giáp ranh 2 xã Tam Thanh, Long Hải của huyện đảo. Những bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh trong đoàn hôm ấy lần đầu ra vùng biển này tỏ ra thích thú “thảm thực vật” dưới đáy biển, luôn miệng trầm trồ. Chẳng mấy chốc, chiếc xuồng đã cập “Dịch vụ lồng bè hải sản tươi sống Hải Phát”. Bởi đoàn khá đông, nên anh Nguyên Vũ, chuyên viên Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đã đặt món trước lồng bè anh quen biết.

dsc09244.jpg
 "Vũ điệu" lồng bè Lạch Dù đảo Phú Quý

Các thành viên lần lượt leo lên bè, vài bạn nam trong đoàn linh động giúp nữ tiếp cận chiếc bè hơi chồng chềnh. Ổn định một lúc, mọi người tỏa ra ngắm nhìn các loại cá nuôi lồng, cạnh đó hàng ngàn loài cá nhỏ li ti bơi theo đàn bên dưới làn nước biển trong xanh. Xung quanh, các lồng bè khác cũng thấy bóng dáng khách du lịch. Nhiều thành viên trong đoàn tranh thủ lấy máy ảnh, điện thoại di động chụp ảnh lưu niệm khoảnh khắc ở giữa biển trời. Chủ lồng bè cũng tranh thủ, lần lượt bưng ra các món ăn hải sản như: ốc giác bàn tay luộc chấm mắm gừng, ốc vú nàng, nhum, cua huỳnh đế, cháo cá mú bông và bò nướng ở đảo… Mỗi món ăn đều có vị ngon, ngọt, bổ dưỡng khác nhau, khiến nhiều thực khách ở đất liền luôn trầm trồ khen ngợi. Cuối buổi anh phục vụ bưng ra món cháo cá mú bắt ở lồng bè tươi ngon, thịt béo, dai dai, thơm nồng mùi vị hành mà ở đất liền khó sánh được. Với tôi vị ngon mú lồng bè Lạch Dù không kém gì cá mú biển Trường Sa. Các thành viên trong đoàn tranh thủ thưởng thức các vị hải sản tươi nuôi lồng bè, nhiều người chúc tụng nhau ly bia, câu chuyện giữa mọi người thêm phần vui tươi, cởi mở trước không khí mát lạnh của gió biển. Ở vài bè lân cận, chúng tôi còn thấy vài vị khách Tây trẻ tuổi cũng hào hứng, thưởng thức hải sản trên bè. Bạn Lê Trương Hoàng Nam, Phòng Phát triển sản phẩm, Công ty cổ phần Du lịch & Tiếp thị Việt Nam (Vietravel) đi cùng đoàn hôm ấy nói với tôi rằng: “Hướng thiết kế tour phục vụ khách ra đảo Phú Quý thời gian tới của Vietravel sẽ kết nối với khám phá lồng bè Lạch Dù, để khách tận hưởng sản vật biển đảo”.

dsc09643.jpg
 Giới thiệu tôm hùm đặc sản lồng bè

Giữa khoảnh khắc buổi trưa lộng gió trên biển, tôi nhìn ra toàn cảnh sóng nước làng bè dập dềnh bên trong vịnh, bất chợt khám phá ra màu nước biển trong xanh phía trong như có đường viền tiếp giáp phía biển rộng ngoài xa. Hình ảnh tương tự như một vài khu vực đảo chìm ngoài biển Trường Sa mà tôi đã từng đến nhiều năm trước đó, chỉ cách mép nước vùng rạn không xa, nước biển phía ngoài đổi màu, sâu thăm thẳm.

img_6119.jpg
 Ốc bàn tay và nhum được nhiều người ưa thích

Trở lại với làng bè hôm ấy, chúng tôi cũng nhận thấy các loại cá, tôm nuôi lồng bè khu Lạch Dù không nhiều như những năm về trước. Chủ bè Hải Phát cho hay, vài năm gần đây, ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, thị trường thu hẹp dần, giá cá con làm thực phẩm nuôi hải sản lồng lại tăng cao, hiếm dần, có khi phải vào cảng Phan Thiết mua, nên không còn lãi mấy, đôi khi chịu lỗ. Bởi thế, nhiều chủ nuôi giảm dần diện tích nuôi bè, chủ yếu nuôi hải sản phục vụ khách du lịch…

img_6123.jpg
 Nhiều bạn trẻ thích thú được khám phá lồng bè Phú Quý

Chú trọng môi trường biển

Theo UBND huyện Phú Quý, hiện khu vực ven biển Lạch Dù có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, tổng diện tích mặt nước 14.485 m2; trong đó chủ yếu 61 lồng bè nuôi diện tích 9.301 m2, cùng 11 hồ chắn (5.184 m2). Sản lượng xuất các loại cá lồng bè năm vừa qua khoảng 100 tấn, thấp hơn nhiều so những năm về trước (có nguyên nhân như đã nêu trên - NV). Vài năm gần đây, 8 chủ bè trong số cơ sở trên kết hợp nuôi trồng, làm dịch vụ chế biến hải sản tươi sống phục vụ du khách thích khám phá, tham quan bè trên biển. Họ làm thêm nghề tay trái kinh doanh du lịch một cách “ngẫu nhiên”. Bởi các loại hải sản trên bè tươi ngon, giá cả bình dân so đất liền, cảnh vật hữu tình, ngày càng nhiều du khách từ đất liền ra đảo thăm lồng bè. Trong năm 2022, Phú Quý đã thu hút 95.000 lượt khách tham quan; rất nhiều bạn trẻ trong số ấy không bỏ qua các điểm lồng bè.

Trong khuôn khổ liên quan này, ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: “Trước đó, UBND huyện đã yêu cầu 8 cơ sở lồng bè kết hợp dịch vụ ăn uống phải đáp ứng các điều kiện phục vụ khách tham quan như đảm bảo vệ sinh môi trường, lắp hố vệ sinh tự hoại, cuối ngày gom rác đem vào bờ để đúng nơi quy định, xử lý, không gây ô nhiễm môi trường biển. Phương tiện xuồng, ca nô đưa đón khách ra bè phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định, người điều khiển có chứng chỉ hành nghề, trang bị áo phao cho khách. 8 chủ cơ sở đã ký cam kết với UBND huyện, cơ bản đảm bảo các yêu cầu trên”. Trong xu hướng phát triển du lịch xanh ngày nay, huyện đảo Phú Quý khuyến khích nhiều hơn các cơ sở lồng bè đầu tư nuôi trồng hải sản thiết yếu, cơ sở nghỉ ngơi, ăn uống, phục vụ khách tham quan. Đồng thời gắn các điều kiện cần thiết trong kinh doanh du lịch, đảm bảo môi trường biển, cũng như an toàn cho đông đảo du khách trong những lần ra khám phá lồng bè Lạch Dù, thưởng thức các loại đặc sản tươi ngon giữa biển khơi.

Ghi chép: Thái Khoa