Hướng dẫn xây dựng vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu

Kinh tế - Ngày đăng : 16:35, 20/02/2023

Nằm trong khuôn khổ dự án “Cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn ở Việt Nam và Lào” (SYMST), trong 2 ngày (20 – 21/2) tại TP. Phan Thiết, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã tổ chức tập huấn Hướng dẫn xây dựng vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).

Tham dự lớp tập huấn có 30 đại biểu là cán bộ kỹ thuật tại một số địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, trang trại, người sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh.

z4124027613478_ba47c06d136143f45c170dd192b24ffd.jpg
Hội nghị tập huấn sáng 20/2.

Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu được cán bộ Cục BVTV phổ biến các quy định của châu Âu đối với quả thanh long nhập khẩu tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, vườn trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói trái thanh long để xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU.

z4124062626960_d2c9304035c708190446d9d46f245282.jpg
Cán bộ Cục BVTV hướng dẫn tại hội nghị tập huấn.

Đặc biệt, thanh long được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu phải đạt chuẩn; trọng lượng trái từ 350 – 400 gram.

z4124029434703_5172df6cb26de97e5f4a0e90099fa2e1.jpg
Các đại biểu tham dự tập huấn.

Ngoài ra, quả không bị vết của nấm hay côn trùng gây hại. Theo Cục BVTV, hiện nay EU yêu cầu Việt Nam kiểm tra dư lượng thuốc BVTV đối với 100% quả thanh long xuất khẩu sang EU. Cùng với đó, đảm bảo dư lượng thuốc BVTV không vượt mức dư lượng cho phép… Các đại biểu cũng được đi thực tế tại vườn thanh long và nghe hướng dẫn sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU; hướng dẫn bảo quản sau thu hoạch; cách sử dụng thuốc BVTV cho thanh long xuất khẩu sang thị trường này.

Thông qua hội nghị tập huấn, sẽ giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long không bị nhiễm các loại dịch hại bị EU kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu. Đồng thời, sử dụng các loại thuốc trừ dịch hại không bị cấm sử dụng và vượt quá ngưỡng giới cho phép. Ngoài ra, người sản xuất, kinh doanh còn giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu các thị trường nhập khẩu của EU.

img_6802.jpg
Thanh long Bình Thuận.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 27.000 ha thanh long, trong đó có khoảng 355 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Hiện nay thanh long Bình Thuận xuất khẩu qua thị trường châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha) chiếm tỷ trọng khoảng 8% về sản lượng, 16% về kim ngạch.

Kiều Hằng