Thu hút FDI để tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 05:27, 21/02/2023

Để góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, những năm gần đây, Bình Thuận rất chú trọng công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện địa phương, đặc biệt là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để tăng thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Tính đến năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân trong cả nước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD… Trong năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022.

centara-muine.jpg
Bình Thuận ưu tiên thu hút đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Ảnh: Đình Hòa

Thời gian gần đây, công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư cũng được tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách. Theo đó, tỉnh đã tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến đầu tư và đã thu hút một số dự án du lịch quy mô lớn đăng ký đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút 1.597 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 333.161,8 tỷ đồng, trong đó có 117 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 3,38 tỷ USD. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, từ khi tái lập tỉnh (năm 1992) đến nay có thêm 1.117 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 78 dự án FDI. Đặc biệt trong phát triển du lịch, Bình Thuận có lợi thế bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, những năm qua Bình Thuận trở thành địa phương thu hút mạnh dòng vốn FDI vào du lịch. Bởi du lịch là điểm sáng, điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, sản phẩm du lịch Bình Thuận ngày càng phong phú đa dạng, hấp dẫn với hệ thống khách sạn, resort nghỉ dưỡng ngày càng cao cấp, hiện đại hơn. Các dịch vụ thể thao giải trí, lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển, chơi golf… đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, tạo đột phá về doanh thu cho ngành du lịch. Năng lực đầu tư của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước vào ngành du lịch Bình Thuận đến nay đã có rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bình Thuận có thêm khoảng 10 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn đi vào hoạt động đã tạo cơ hội lớn để Bình Thuận phát triển mạnh mẽ thế mạnh du lịch, đồng thời cho thấy tiềm năng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực du lịch tại địa phương vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó ngành du lịch của tỉnh còn thực hiện song song nhiều giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư như khai thác tốt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch địa phương… tất cả hướng đến mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, cộng hưởng cùng năng lực nội tại đưa ngành du lịch Bình Thuận lên một bước tiến mới.

Nhận định trong thời gian tới được đánh giá với lợi thế về chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở, số lượng nhà máy lớn đang tăng dần lên, Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đang được các công ty nước ngoài chú ý như một điểm đến cạnh tranh FDI. Bên cạnh đó nhiều cơ sở quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 sẽ thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất hiệu quả của dòng vốn FDI đóng góp vào việc nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, đòi hỏi cần phải tăng cường hợp tác cũng như chuyển giao công nghệ. Đồng thời, có đánh giá toàn diện về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI để có những chính sách thu hút dòng vốn này phù hợp và hiệu quả hơn nữa. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, tính ổn định trong chính sách sẽ tạo sự thu hút và an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài…

THANH QUANG