Trồng mít Thái ở xã Phan Lâm: Cẩn thận khi trồng ồ ạt
Kinh tế - Ngày đăng : 05:30, 21/02/2023
Hệ lụy trồng mít Thái ồ ạt
Những năm 2017 - 2018, nhiều hộ dân ở xã Phan Lâm đã mạnh dạn đầu tư trồng mít Thái cho năng suất cao, đầu ra thuận lợi, nên thời gian đầu rất nhiều nhà vườn có thu nhập khá từ cây mít. Do giá mít sốt cao, có những thời điểm lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg, thấy lợi nhuận “khủng” từ cây mít, nhiều nông dân đua nhau chuyển đổi sang cây trồng này. Theo đó, diện tích cây trồng mít Thái không ngừng tăng nhanh trên địa bàn xã, từ vài ha lên đến 95 ha. Để hỗ trợ các hộ dân trồng mít Thái phát triển bền vững, thời điểm đó xã đã thành lập Hợp tác xã mít Ba Hữu để liên kết các hộ dân sản xuất mít trong vùng tìm hướng phát triển bền vững. Đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc để đạt năng suất cao. Tuy nhiên, hoạt động của hợp tác xã không hiệu quả, mạnh ai người nấy làm.
Theo các hộ dân trồng mít, phần lớn sản lượng mít Thái được thương lái từ các tỉnh khác về thu mua để xuất qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài con đường này không ổn định, bởi Trung Quốc siết chặt quản lý việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những năm gần đây mít rớt giá thấp, nông dân sản xuất thua lỗ. Nhiều hộ dân đã chặt bỏ và chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Anh Trần Phát Sáng, hộ dân ở xã Phan Lâm cho biết: Thấy nhiều hộ dân trồng mít Thái trong vùng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi cũng đã đầu tư trồng 3 ha mít Thái. Khi cây đã tới thời kỳ thu hoạch thì mít rớt giá thấp, trong khi đó chi phí đầu tư và công chăm sóc cao khiến gia đình thua lỗ nặng. Mặt khác, trồng mít đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, nhất là không để bị xơ đen mới đạt năng suất và giá trị cao. Nhận thấy cây mít Thái đầu ra không ổn định nên gia đình tôi đã chặt bỏ hết diện tích mít Thái (mặc dù chưa bù được chi phí đầu tư ban đầu) để chuyển đổi sang trồng chuối cấy mô.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao đời sống cho người dân luôn được chính quyền địa phương khuyến khích bà con nông dân thực hiện, đặc biệt với một xã vùng cao như Phan Lâm (huyện Bắc Bình). Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không theo quy hoạch mà nông dân tự phát trồng nên đã xảy ra nhiều hệ luỵ. Mô hình trồng mít Thái là ví dụ điển hình như thế.
Tìm hướng phát triển bền vững
Theo cán bộ nông nghiệp xã Phan Lâm, từ diện tích mít Thái toàn xã 95 ha đến nay thu hẹp còn khoảng 40 ha. Dẫn chúng tôi đến thăm vườn mít Thái xen canh với sầu riêng của gia đình anh Chiếng Vểnh Phí, ở khu vực Củ Chi, xã Phan Lâm. Trước mắt là khu vườn xanh mướt, những cây mít từ 2-3 năm tuổi chi chít trái đã cho thu hoạch. Anh Phí cho biết: “Đất và khí hậu ở đây rất thích hợp để cây mít Thái phát triển. Trồng mít không khó để đạt năng suất cao, đòi hỏi người trồng phải nắm được kỹ thuật chăm sóc để cây cho trái đạt chất lượng, trái to và đẹp, đặc biệt là không bị bệnh xơ đen múi thì mới bán được giá cao, còn ngược lại thì giá rất thấp. Tuy nhiên giá mít Thái hiện không còn duy trì ở mức cao như các năm trước nên người trồng không còn “mặn mà” với loại trái cây này”.
Theo các hộ dân trồng mít Thái, chi phí phân, thuốc, nhân công, giống ban đầu… của mít Thái cao nên nếu giá bán trên 10.000 đồng/kg thì người nông dân mới có lãi. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá mít xuống thấp có lúc 3.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện thương lái đến mua mít tại vườn chủ yếu ở tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh chưa có vựa thu mua mít. Do vậy, người trồng mít thường bị ép giá, thương lái thu mua kén chọn, mua không ổn định nên người trồng mít Thái không khỏi lo ngại cho tương lai của loại trái cây này.
Hiện bà con nông dân trồng mít Thái tại xã Phan Lâm mong muốn các ngành chức năng vào cuộc, có những chính sách kịp thời giúp bà con ổn định giá bán. Nhất là xây dựng được các điểm thu mua mít trong tỉnh, không để tình trạng tư thương ép giá thường xuyên.