Bình Thuận được hỗ trợ nâng cấp Nhà máy nước Mương Mán

Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 21/02/2023

Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai vừa thống nhất vận động tài trợ thực hiện xây dựng công trình hệ thống nước Ba Bàu, xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam. Mục đích hỗ trợ địa phương cung cấp nước sạch, nước sinh hoạt tập trung phục vụ người dân, cộng đồng, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán.

Hỗ trợ kinh phí 3 tỷ đồng

Theo ông Hồ Văn Đắc - Phó Giám đốc Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, trong tháng 2/2023, Quỹ thống nhất vận động tài trợ giúp tỉnh Bình Thuận khoản kinh phí 3 tỷ đồng để thực hiện đầu tư công trình hệ thống nước Ba Bàu. Số tiền vận động này là một phần trên tổng dự toán công trình và chỉ tài trợ cho hạng mục xây lắp và thiết bị (nếu có). Các hạng mục khác như chi phí tư vấn đầu tư, chi phí quản lý dự án hoặc một phần chi phí xây dựng, thiết bị do địa phương bố trí kinh phí đối ứng. Việc triển khai thực hiện, hoàn thành bàn giao và đưa công trình vào sử dụng trước 31/10/2023. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với sở, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo đúng thời gian quy định.

z4120722639401_a8d84699370a839028d200f42f161d6e.jpg
Hiện trạng nhà máy nước Mương Mán.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai mới đây để bàn về việc thống nhất vận động tài trợ xây dựng nâng cấp nhà máy nước Mương Mán, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, dự án do UBND tỉnh làm chủ quản đầu tư và giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường làm chủ đầu tư. Về giải pháp thực hiện, dự án sẽ nâng công suất hệ thống nước Ba Bàu, xã Hàm Thạnh thêm 2.500 m3/ngày, đêm. Đồng thời xây dựng mới 1 cụm xử lý nước có kết cấu bê tông cốt thép với công suất 2.500 m3/ngày, đêm, 1 bể chứa nước có kết cấu bê tông cốt thép 500 m3. Đặc biệt, việc thực hiện dự án này không phải thu hồi đất mà sử dụng đất trong khuôn viên Nhà máy nước Mương Mán. Dự án có tổng mức đầu tư 5,992 tỷ đồng, trong đó vốn Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai hỗ trợ 3 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh 2,992 tỷ đồng.

z4120731744539_2bde18ade1a2da3a87d8c4f2c8bc2c45.jpg
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trong buổi làm việc với Đoàn công tác Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai.

Cần gấp rút triển khai

Trong chuyến khảo sát thực tế cùng đoàn công tác Quỹ phòng tránh thiên tai cuối tuần qua, ông Trần Văn Liêm - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận (trung tâm) cho biết, thực trạng công trình cấp nước Ba Bàu được đưa vào sử dụng từ năm 2006 với công suất 300 m3/ngày. Sau đó, công trình này được nâng công suất lên 1.000 m3/ngày, cấp nước cho các hộ dân xã Hàm Thạnh và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn 1, 2 xã Hàm Cần. Bên cạnh, Nhà máy nước Ba Bàu là công trình do Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư và bàn giao cho trung tâm quản lý sử dụng từ năm 2019 với công suất 1.500 m3/ngày, cấp nước cho các xã Mương Mán, Hàm Thạnh, Hàm Mỹ. Năm 2021, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục đầu tư công trình cấp nước xã Hàm Cường, Hàm Kiệm, Hàm Minh với khoảng 30 km đường ống HDPE từ D200 - D90 đấu nối vào công trình cấp nước xã Mương Mán. Do đó hiện nay Nhà máy nước Mương Mán không đủ công suất cấp nước cho nhân dân khu vực trên.

z4120722014802_3dfbaa1c40142aa951144249920eef2d.jpg
Đoàn công tác của Quỹ Phòng tránh thiên tai khảo sát thực tế tại nhà máy nước Mương Mán.

Chính vì vậy, khi dự án nâng cấp Nhà máy nước Mương Mán hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ bổ sung, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, đặc biệt trong mùa khô hạn của nhân dân các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Cường, Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) với số dân được cấp nước từ nhà máy nước tập trung là 50.000 người và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

z4120718713466_079b1de1dc22a6d8d01014737f3a5728.jpg
Ông Trần Văn Liêm- Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn nêu khó khăn.

Tuy nhiên theo ông Liêm, khó khăn khi triển khai dự án là công trình phải thi công và hoàn thành, giải ngân kinh phí trước 31/10/2023 theo yêu cầu của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai. Nhưng dự án phải thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công, sẽ kéo dài thời gian do thực hiện các quy trình, thủ tục, rất khó đảm bảo thời gian yêu cầu. Ngoài ra, hồ sơ trình cấp thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng nước để vận hành chạy thử, nghiệm thu thường mất nhiều thời gian (4 - 5 tháng) nên cần sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Kiều Hằng