Sốt xuất huyết ở mức cao ngay đầu năm 2023
Y tế - Ngày đăng : 06:09, 21/02/2023
SXH có chiều hướng giảm
So với tháng 12/2022 (1.452 ca), số ca mắc SXH của tháng 1/2023 là 692 ca, tháng 2/2023 là 242 ca, đang có chiều hướng giảm. Như vậy, tổng số ca mắc từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 934 ca mắc SXH, tăng gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2022 với 147 ca, không có ca tử vong. Trong đó, 24 ca nặng chiếm 2,6% so với tổng số ca mắc SXH (934 ca) trên địa bàn tỉnh, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022 với 6 ca. Cụ thể, Hàm Thuận Nam 186 ca, Hàm Thuận Bắc 179 ca, Bắc Bình 161 ca, Tánh Linh 146 ca, Đức Linh 113 ca, Phan Thiết 64 ca, Tuy Phong 46 ca, La Gi 29 ca, Phú Quý 6 ca, Hàm Tân 4 ca. Số ca mắc SXH tập trung cao tại 3 huyện là Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, chiếm 56,3% tổng số ca mắc toàn tỉnh.
Phân theo giới tính, số ca mắc SXH ở nam chiếm tỷ lệ 53,4%, tương ứng 499 người, cao hơn so với nữ. Còn phân theo lứa tuổi, chủ yếu trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh này chiếm tỷ lệ 63,1% và 36,9% là người trên 15 tuổi. Bên cạnh đó, số ổ dịch trên toàn tỉnh là 60 ổ, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2022 với 10 ổ. Tất cả các ổ dịch đều được xử lý kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình số ca mắc SXH trên địa bàn Bình Thuận trong thời gian gần đây có dấu hiệu giảm, theo hướng giảm dần so với các tháng liền kề trước đó của năm 2022, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do những cơn mưa trái mùa xen lẫn trong thời tiết nắng nóng tạo thuận lợi lăng quăng, muỗi phát triển; kết hợp người dân không thường xuyên dọn vật thải quanh nhà để diệt lăng quăng, muỗi.
Kế hoạch dập dịch
Để đảm bảo công tác phòng, chống bệnh SXH được triển khai kịp thời, Sở Y tế Bình Thuận thường xuyên giám sát, đánh giá việc triển khai công tác phòng, chống dịch SXH như giám sát phát hiện các ca bệnh, ổ dịch mới trong cộng đồng, giám sát khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao. Từ đó có sự phối hợp xử lý triệt để khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài. Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn về giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh SXH để tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến tuyến xã. Các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị nhằm hạn chế tối đa các trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong.
Đồng thời, Sở Y tế kêu gọi người dân “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy” và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cùng với đó, đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH; đặc biệt là chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy. Lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong hoạt động truyền thông của các tổ chức chính trị - xã hội và của địa phương; tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức truyền thông rộng rãi, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn.