Phát triển công nghiệp ở Đức Linh: Gỡ vướng để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

Kinh tế - Ngày đăng : 05:19, 23/02/2023

Với định hướng phát triển và điều kiện địa phương, cơ cấu kinh tế của Đức Linh từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp, huyện tập trung khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc gắn với đẩy mạnh mời gọi đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế…

Hiện nay trên địa bàn Đức Linh đã thành lập được 6 cụm công nghiệp với quy mô diện tích khoảng 278 ha. Trong đó có 3 cụm do Nhà nước quản lý nhưng chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, còn lại 3 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng. Thời gian qua, UBND huyện cũng tiến hành rà soát, xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Theo đó đến năm 2030, huyện Đức Linh quy hoạch và thành lập 9 cụm công nghiệp với diện tích gần 500 ha, định hướng đến năm 2050 phấn đấu nâng lên 12 cụm công nghiệp có diện tích 706,5 ha.

img_5266.jpg
Thu hút dự án đầu tư tại một cụm công nghiệp trên địa bàn Đức Linh (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế như mong đợi, Đức Linh cần được cấp thẩm quyền hỗ trợ khắc phục khó khăn, tồn tại trong phát triển công nghiệp ở địa phương. Cụ thể là quan tâm đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, đồng thời giới thiệu một số nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh tại các cụm… Về vấn đề này, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành cùng địa phương làm việc với chủ đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Hiện Cụm công nghiệp Nam Hà thu hút được dự án sản xuất giày dép các loại với diện tích 48,6 ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp), trong khi Cụm công nghiệp Đông Hà thu hút 7 dự án với diện tích 5,08 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 19%), còn Cụm công nghiệp Nam Hà 2 có dự án Nhà máy bê tông Nam Hà đã đưa vào hoạt động.

Tới đây, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng và UBND huyện Đức Linh đôn đốc chủ đầu tư quan tâm đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp. Ngoài ra sở cũng xúc tiến xây dựng đề án “Xuất bản ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư ngành Công Thương tỉnh Bình Thuận” và thông qua hội nghị, hội thảo sẽ giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án thứ cấp tại cụm công nghiệp trên địa bàn huyện…

Một vấn đề nữa mà Đức Linh kiến nghị là tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với các cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý. Được biết tại địa phương, các cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý thời gian gần đây chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp do vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, đất đai, môi trường. Trong số này, hiện Cụm công nghiệp Sùng Nhơn có cơ sở hoạt động sản xuất - kinh doanh lấp đầy khoảng 15,1 ha/30 ha, Cụm công nghiệp Mê Pu là 21,1/40 ha và Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu đạt 11,3/25,3 ha.

Với những trường hợp cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý (chưa có nhà đầu tư hạ tầng), Sở Công Thương cho biết cuối năm qua đã có công văn kiến nghị Cục Công Thương địa phương tham mưu Bộ Công Thương hướng dẫn, ban hành quy định liên quan. Mặt khác để hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với các cụm công nghiệp, Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo. Đồng thời ban hành Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Vì thế sau khi các quy định ban hành, ngành Công Thương sẽ phối hợp đơn vị chức năng hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện. Qua đó hỗ trợ Đức Linh thu hút đầu tư hạ tầng lẫn dự án thứ cấp và sử dụng hiệu quả quỹ đất, góp phần phát triển công nghiệp trở thành “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế huyện nhà.

Đ.QUỐC