Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm và chống lãng phí

Xã hội - Ngày đăng : 05:36, 23/02/2023

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV xác định: Phát triển xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chú trọng phát triển kinh tế biển, ưu tiên phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Đồng thời xác định nhiệm vụ chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

duong-vo-nguyen-giap-anh-nl-4-_dc7ae072f000f2b457e7869f687e5b35.jpg
Hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp ĐT 706 B giúp du lịch Bình Thuận phát triển hơn. Ảnh Ngọc Lân.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí” tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện chính sách phù hợp, ổn định, bình đẳng, công khai, minh bạch, tạo đột phá theo phương châm chính sách phải phục vụ sự phát triển, tạo điều kiện cho phát triển. Thi đua huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng trên cơ sở đảm bảo hiệu quả, chất lượng đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể. Thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ hoặc vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước, đặc biệt là trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường. Vận động toàn dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, vật liệu, chung sức làm đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi tại xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, chấp hành tốt việc tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng tại địa bàn cư trú.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai thực hiện, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong các lĩnh vực để khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công... Đồng thời thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường. Sử dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến tài nguyên, đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, sử dụng hiệu quả, đa dạng hóa nguồn vốn với cơ cấu vốn hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân…

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2022 - 2025) ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Căn cứ tình hình thực tiễn, UBND tỉnh tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm vào năm 2025 để triển khai giai đoạn tiếp theo. Xét khen thưởng và trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua. Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030), trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 và tổng kết vào năm 2030. Đồng thời Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua.

THANH QUANG