Ru giấc ngủ quê

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:53, 24/02/2023

Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê ở xã Hàm Mỹ - huyện Hàm Thuận Nam; một xã anh hùng trong kháng chiến, thuần nông trong thời bình nhưng không nghèo lắm.

Hơn 20 năm qua kể từ ngày cây thanh long phát triển, đời sống của người dân đã vượt lên đáng kể, nhiều nhà biết đầu tư đã vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất cằn cỗi của mình. Nhớ lại khi xưa, khi đất nước trong thời kỳ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp; sau những ngày tết thì đồng khô cỏ cháy, hoang hóa, điêu tàn. Anh em chúng tôi lớn lên với tuổi thơ ở quê nghèo khắc nghiệt. Đứa nào cũng một buổi đi học, một buổi chăn trâu, chăn bò, uống nước ruộng. Mùa nắng thì làm bạn với gió bụi, cát bay; mùa mưa thì tắm hố bom cùng với trâu, bò và những khúc chuối tập bơi. Tuổi thơ như thế mà vui, với nhiều kỷ niệm một thời để nhớ. Những câu chuyện trong buổi cơm chiều của gia đình là nói về ngày mai nhà nào xuống giống bao nhiêu công, bao nhiêu chàng trai ở làng sau tết sẽ lên đường nhập ngũ, có ai trốn nghĩa vụ quân sự hay không; Bác hai bảy mươi tuổi mà sáng nào cũng dậy sớm thả bầy trâu gặm cỏ kẻo sợ nắng lên… Một làng quê yên bình, cùng với những căn nhà tranh, vách đất siêu vẹo, rách tả tơi núp dưới những bóng dừa, cây cao xanh mát. Người dân quanh năm lam lũ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; tần tảo siêng năng, thức khuya, dậy sớm nhưng vẫn cứ thiếu, đói giáp hạt; chiếu rách, áo vá quanh năm.

ngu.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Rồi thời bao cấp cũng đi qua, cùng với sự phát triển của đất nước; hệ thống thủy lợi được đầu tư, kênh mương nội đồng về tới tận thôn quê. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật được áp dụng trong nông nghiệp, đất làng quê Hàm Mỹ đã được thiên nhiên ưu đãi phù hợp cho sự phát triển của cây thanh long. Người dân đã bỏ lúa dưới ruộng; không trồng khoai, bắp, đậu, mè… trên nương rẫy mà tất cả ưu tiên cho những trụ bê tông thanh long xanh mướt. Giá như không có đại dịch Covid-19 xảy ra, có lẽ đời sống của người dân quê tôi sẽ dần dần ổn định vươn lên khá giàu. Dịch tạm thời được khống chế, giá cả nông sản trước và trong dịp Tết Quý Mão phần nào được ổn định, trong đó có thanh long. Nhưng đâu có bao nhiêu gia đình chú tâm đầu tư, chăm sóc, khi mà 2 - 3 năm về trước đã mất trắng; thậm chí có những vườn thanh long bị bỏ hoang, héo khô cả cỏ lẫn cây trồng. Nhiều nhà đã bán đất, bán vườn tìm kế sinh sống bằng những ngành nghề mà xưa nay ở quê ít ai nghĩ đến đó là: làm cò đất, làm đại lý bán phân di động, làm môi giới đủ thứ ngành nghề… thật là bất an trong cuộc sống, vì những con người ở quê thì chân chất cả ngàn đời.

Tôi sống xa quê hương đã hơn 30 năm, nhưng mỗi lần về thăm quê, thăm ông bà, cha mẹ là những lần có tâm trạng khác nhau. Có lẽ một phần do tuổi tác, nhưng cảnh vật xung quanh tác động vào tâm trạng con người cũng góp một phần quan trọng để suy ngẫm, ưu tư. Cũng như lần này đây, tôi về thăm quê khi tờ lịch vừa mới qua được nửa tháng giêng nhưng trong tôi, trời đất cứ như mùa hè sắp đến. Mới sáng sớm, mở cửa sổ đã thấy ánh nắng xuyên qua các tàng lá xanh ngời; bước chân ra vườn nắng như đi theo rọi xuống vùng đất cát làm rát bỏng bàn chân. Những người con sống xa quê như tôi thường man mác một nỗi buồn nhớ quê; mới về thăm quê trước tết, chỉ hơn 20 ngày về lại nhưng nỗi buồn nhớ quê vẫn cứ trong veo, mềm mỏng xao xuyến, mênh mang đến diệu vợi, khung trời tuổi thơ ngọt ngào một thuở đầu trần, chân đất lại cứ hiện về. Căn nhà xưa cũ vẫn còn đó, hàng ba trước nhà có cây điệp già và một vài cây dừa vẫn đung đưa trước gió. Bóng dáng mẹ già vẫn đi ra, đi vào châm nước thêm cho bình trà, chỉnh sửa lại hướng gió cho cây quạt, thỉnh thoảng nằm đung đưa trên chiếc võng thật là thân quen. Tôi vẫn rảo bước trên con đường mòn khi xưa nơi bờ đê thửa ruộng, nhưng không còn hồn nhiên như ở tuổi thơ, cái thời tuổi mười tám, đôi mươi năm nào. Cái thuở ngây ngô đầu đời ấy sao mà thân thương vô cùng. Bây giờ bỗng dưng tâm trạng có nhiều áp lực, âu lo, suy nghĩ nhiều đến bữa không thèm ăn, đêm về chập chờn khó ra giấc ngủ vô cùng, có đêm thức tới gần sáng mới chợp mắt. Không lo sao được? Mất ngủ cũng phải vì nghĩ rằng: Ngày mai đây, cái ngày mai ấy không biết xa hay gần hình bóng mẹ có còn liêu xiêu, mờ mờ trước mặt ta nữa hay không? Căn nhà thân quen này, mảnh vườn thân quen này có làm cho ta nhớ một thời thơ ấu hay không?… Tôi luôn lo sợ những điều mà quy luật tất yếu sẽ xảy ra. Trở về với thực tại, sau tết người người, nhà nhà ở thành phố sắp xếp đưa gia đình đi du lịch, đi trẩy hội, đi lễ chùa cầu an… còn người dân quê tôi sau tết là bắt tay ngay vào việc tưới nước, bón phân, chong đèn chạy điện cho thanh long mong cây trái tốt tươi, được mùa, được giá trong Tết Thanh minh để lấy lộc cho đầu năm mới.

Mùa xuân, nhắc lại đôi dòng chuyện cũ quê nhà để suy ngẫm và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống. Thời gian cứ dần trôi, quỹ thời gian cứ vơi dần cho một đời người. Trên cuộc sống với bộn bề lo toan, tấp nập, đôi lúc tôi lại thấy lòng mình xao xuyến quá, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, nhớ làng quê một thời gắn với tuổi thơ nghèo khổ. Cảm ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói hộ những người con xa quê như chúng tôi: “Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”. Tôi luôn cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với mọi nhà, đến với mọi người và cũng cầu mong một thực tế, mùa thanh long sau tết năm nay ở làng quê của tôi sẽ được mùa, được giá trong dịp Thanh minh như những mong ước của mọi người.

Đỗ Văn Cường