Sống theo mẹ dạy, thọ 100 tuổi!

Đời sống - Ngày đăng : 05:54, 27/02/2023

“Không ai như Bành Tổ sống gần 800 tuổi, nhưng được sống thọ và sống khỏe là nỗi mong ước của bao người”.

Một lần trước đây, hầu chuyện cụ Nguyễn Thành Tâm (102 tuổi) ở xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc về cách cụ sống như thế nào để thọ, khỏe mạnh… thì cụ cho hay: “Cả đời cụ rất ít khi đau bệnh. Quanh năm suốt tháng, cụ ra đồng làm việc, năng đi lại. Từ thời thanh niên đã quen ngủ sớm, dậy sớm. Nhà có gì ăn đó, không ham rượu thịt, ưa thích rau củ…”.

cu-cai-100-ti.jpg

Gần đây, cụ Nguyễn Độ Cai, ngụ tại khu phố 4, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, là một điển hình về sống thọ, sống khỏe. Cụ Cai sinh năm 1923 (đến nay tròn 100 tuổi - ảnh), nhưng sắc diện vẫn hồng hào, tay chân không hề nhăn nheo, đi lại một cách bình thường. Mắt cụ vẫn nhìn được chữ trên tờ lịch, xem được số trên đồng hồ đeo tay. Thoạt nhìn tưởng cụ ở tuổi bảy mươi.

“Mẹ tôi khuất núi nhưng lời mẹ dặn thì tôi ghi tâm khắc cốt. Năm mẹ tôi mất bà 106 tuổi và ra đi rất nhẹ nhàng. Tôi chỉ ước được như mẹ” - cụ nói chậm rãi gần như kể chuyện. Cụ nhớ hồi trước nhà rất nghèo. Cả nhà từ lớn đến bé đều lao động kiếm sống. Bài học đầu tiên mẹ cụ dạy các con là chớ lười biếng. Làm việc chính là xua đi 3 mối họa lớn đối với từng con người. Đó là, buồn chán, thói hư và tù túng! Người lười biếng thường nhác việc. Thấy khó hay buông bỏ. Vợ lấy phải chồng lười, gia đình hay xào xáo. “Khi có gia đình rồi, tôi vẫn sống theo lời mẹ dạy. Tôi ra biển khi trời còn dày sương đêm. Về đến nhà, thay vì nằm ường ra, đùn đẩy việc cho vợ, tôi xắn tay làm lấy. Những năm sau này, nhà chuyển sang đan, bán liếp phơi cá, tôi đi ngủ trước 9 giờ, thức dậy lúc 4 giờ”.

Bữa ăn nhà cụ Cai trong những năm khó khăn, kể cả khi khá hơn, thường xuyên có cá, rau xanh. Thịt các loại, một tháng đôi lần. Không ăn mặn, thường xuyên uống nước, trừ lúc chuẩn bị đi ngủ. Mấy năm gần đây, răng yếu, cụ thường ăn phở, uống thêm sữa. Đến tuổi 100, mỗi sáng mai thức dậy, cụ chậm rãi bỏ chân xuống giường, xoa chân làm nóng một lúc rồi mới đứng lên… để máu lưu thông. Trong khi người con trai, anh Nguyễn Ba, đến thăm hỏi bố. Nhân cho biết, cụ có thời gian đi biển, lại ở một khu phố toàn dân lao động, tôi đề cập đến chuyện: Người lao động chân tay có thói quen uống rượu. Cụ nghiêng đầu lắng nghe, sau đó là cái lắc đầu: “Ai mời lắm, tôi uống một chút. Mình phải biết từ chối khéo”. Nói rồi cụ lại cười. Một nụ cười hiền hậu, của người ngộ ra nhiều điều quý giá trong cuộc sống, sau khi đã qua những năm tháng dài của cuộc đời. Tôi vẫn nhìn cụ. Tôi đang tìm đọc những điều lý thú của cuộc đời cụ. Tôi thoạt nghĩ đến một câu hỏi mà đã là con người không ai không chạm đến, trừ khi là bậc chân tu giác ngộ. Đó là chuyện cụ có “kiêng khem” trong chuyện vợ chồng? Cụ nhìn tôi, thân mật: “ Anh không hỏi tôi cũng nói. Anh có thấy có bao nhiêu vị vua Việt Nam sống qua 70 tuổi? Có người mới qua tuổi 50 đã về với ông bà tổ tiên dù rằng họ có đủ loại rượu bổ, kể cả những vị thuốc quý hiếm. Vậy nên cái gì quá lố cũng đều không tốt. Vợ chồng gần gũi nhau nhiều, đến mức quá dày, chỉ tổn hại cho đàn ông. Thận sẽ suy, mới ngoài 50 đã chồn chân mỏi gối. Biết đủ là đủ…”, cụ Cai mỉm cười.

Có thể nói qua cuộc hầu chuyện, tôi càng ngộ nhiều điều phía sau những điều cụ nói. Đó là phải biết chừng mực, biết tránh xa với cuộc sống nhiều bia rượu, thú vui xác thịt quá mức. Cần biết sống hòa hợp với thiên nhiên, ham thích lao động, giữ trong lòng một sự bình an thanh thản… Một khi tâm bình, thân sẽ bình, thân bình thì giảm đau yếu, bệnh tật…. nghĩa là có đời sống khỏe mạnh…

Hà Thanh Tú