Lan tỏa giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:57, 27/02/2023

Tháng 2/1943, Đề cương Văn hóa Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.
img_1069.jpg
Biểu diễn văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân

Văn hóa là 1 trong 3 mặt trận cách mạng

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 5 phần: Cách đặt vấn đề; lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; nhiệm vụ cần thiết của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam. Đề cương trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học được thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng sớm nhìn thấy và đặc biệt coi trọng trong đường lối cách mạng.

Trong văn kiện quan trọng này, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân đã sớm được xác định. Văn hóa được coi là 1 trong 3 mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hóa). Nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Đến thời điểm hiện nay, thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ba nguyên tắc này vẫn tiếp tục là “kim chỉ nam” trong chỉ đạo và hoạt động văn hóa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một lần nữa vai trò của văn hóa được đề cao. Tổng Bí thư nhấn mạnh xét cả lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn, nhân ái và tiến bộ.

img_1241.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số tham quan triển lãm tranh

Vẹn nguyên giá trị và sức sống

Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của đề cương đã mang nội hàm và sức sống mới. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Cùng với đó kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Tại Bình Thuận, trong Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhấn mạnh: “ ...Cùng với cả nước bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức gìn giữ và không ngừng phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc…”. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của chương trình hành động, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm xây dựng những quy tắc ứng xử và phổ biến trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường, điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội…

mua-cham4.jpg
img_1255.jpg
Giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong Lễ hội Katê của đồng bào Chăm

Trong đó quan tâm, chỉ đạo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần cổ vũ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Với những di tích trong 1 cộng đồng nhỏ như đình làng, đã tạo nên sự cố kết cộng đồng làng xóm qua những hoạt động chung xoay quanh việc phụng thờ thành hoàng và đem lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh dân làng. Các kỳ hội là dịp nhắc nhở truyền thống, lịch sử, cội nguồn, sự đoàn kết, lòng hướng thiện cho mỗi người dân, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho họ trong lao động sản xuất.

Bên cạnh đó là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vào hoạt động phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch bền vững. Tỉnh xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh với quan điểm coi trọng phát huy các giá trị về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Phấn đấu đến năm 2025, đón 8,9 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10-12%.

img_2347.jpg
Lễ cúng Tết Đầu lúa của đồng bào dân tộc ở Bắc Bình

Đồng thời, tỉnh tập trung khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống. Phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương, tạo sự khác biệt, độc đáo cho sản phẩm du lịch. Đầu tư xây dựng Bảo tàng Bình Thuận, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt năm 2022, Lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Bình Thuận nói riêng và của Việt Nam nói chung…

Là địa phương hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 35 dân tộc, các di sản văn hóa ở Bình Thuận đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp tục tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Thục Anh