Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Góp phần nâng cao chất lượng dân số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:51, 01/03/2023

Hiện nay trẻ vị thành niên mang thai là một vấn đề xã hội cần được các bậc phụ huynh cũng như người lớn quan tâm vì trong thực tế đa số các trường hợp này đều xảy ra ngoài ý muốn và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Mới đây, thông tin một nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang có thai rồi tự sinh con trong nhà tắm khiến dư luận vô cùng bất ngờ. Điều đáng nói, cả gia đình và nhà trường đều không hay biết trẻ đã trải qua giai đoạn mang thai trước đó. Có lẽ khi đọc những thông tin này nhiều người cảm thấy bàng hoàng và lo lắng, nhất là những người làm cha, mẹ đang có con ở độ tuổi dậy thì.

giao-duc-gioi-tinh-cho-hoc-sinh-trong-truong-hoc-a1b-1676856954606818670163-0-0-1000-1600-crop-1676856963513397707950.jpg

Đây không phải là trường hợp đầu tiên làm mẹ ở độ tuổi thiếu niên được báo chí đưa tin mà tình trạng trẻ vị thành niên mang thai, sinh con có xu hướng ngày càng tăng thời gian gần đây. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội. Theo các bác sĩ sản khoa, do cơ thể các em gái chưa hoàn thiện nên khi mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của chính bản thân và thai nhi trong bụng. Nếu nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con gây vô sinh sau này.

Có thể thấy, tuổi vị thành niên là một giai đoạn phát triển rất nhanh về thể chất, đòi hỏi phải có kiến thức để hiểu cơ thể mình đang phát triển thế nào, đặc biệt là về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song các kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế. Nhiều trẻ vị thành niên còn thiếu hụt kiến thức về sức khỏe sinh sản, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân nên việc tuyên truyền, phổ biến sức khỏe sinh sản rất quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó, thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều.

Sau sự việc nữ sinh lớp 7 mang thai, chúng ta càng nhận ra việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên ở nhà cũng như ở trường là vô cùng cần thiết. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội, cha mẹ và nhà trường để trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.

Để cải thiện sức khỏe, giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ em, phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em, năm 2023 UBND tỉnh đã triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như 75% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà sau sinh trong 6 tuần đầu; tỷ số tử vong mẹ: 20/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi: 11,5‰… Đồng thời, đề nghị các sở, ngành liên quan, các đoàn thể tỉnh xây dựng các chương trình can thiệp, các mô hình trong truyền thông, cung cấp thông tin, tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với vị thành niên, thanh niên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường lồng ghép giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên; xây dựng góc tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục với nội dung phù hợp với từng bậc học trong nhà trường. Cùng với lồng ghép các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong các hoạt động sinh hoạt tập thể, tiết học ngoại khóa, các cuộc thi trong nhà trường. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

NGỌC HÂN