Hồn cốt văn hóa, âm thầm chảy trong trái tim, suy nghĩ người Việt

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:01, 01/03/2023

Văn hóa là sản phẩm của loài người, được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua dòng chảy xã hội hóa, luôn được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động, tương tác xã hội của con người.

Trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, bài học và những kinh nghiệm quý báu được đúc kết đó là chúng ta luôn phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng, triết lý, kinh nghiệm quý báu đó đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo trong cuộc đấu tranh trường kỳ giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Qua đó, tạo nên những giá trị văn hóa dựng nước đi đôi với giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử.

Cùng với chính trị, kinh tế - xã hội thì văn hóa là một trong các trụ cột phát triển đất nước. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Chính vì tầm vóc của văn hóa, vì điều kiện và những tác động của văn hóa, mà trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật vị trí, vai trò của văn hóa là nguồn lực nội sinh của đất nước và cũng vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước.

Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa Việt Nam của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới, trong đó, gian nan nhất chính là cuộc “lột xác”, tự đổi mới để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị “lạc đường”, chệch hướng trong diễn biến phức tạp khôn lường của cơ chế thị trường.

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước Việt Nam trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có thể coi là cương lĩnh văn hóa mới của Đảng, mở đường cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Tiếp đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33 (năm 2014) xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”… Gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.

Trước vận hội và thách thức do bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 mang lại, bản sắc, cốt cách, bản lĩnh của chiều sâu văn hóa dân tộc và con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại, luôn tiếp biến và hoàn thiện nhân cách, luôn làm giàu tri thức, năng động, sáng tạo, đổi mới đã thực sự trở thành nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước. Và trong triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng cần chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị gắn với xây dựng con người và hệ giá trị con người Việt Nam mới; gắn xây dựng văn hóa với xây dựng kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc gắn với tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa đồng bộ với sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế - xã hội... Tiếp tục tăng cường các nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hóa, bảo đảm phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, hình thành nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu trong đời sống xã hội.

Nhìn lại 80 năm vận động phát triển, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó cũng là quá trình thể nghiệm và thực chứng văn hóa trở thành 1 trong 3 mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; cũng là thời gian thử thách và khẳng định tính chiến lược bền vững của “3 nguyên tắc vận động” trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

DỤNG VĂN DUY