Trường Đại học Phan Thiết: Đón tiếp đoàn chuyên gia Bỉ - triển khai Dự án 6.2

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:59, 02/03/2023

Trường Đại học Phan Thiết vừa diễn ra hoạt động đón tiếp đoàn chuyên gia Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) đến thăm và làm việc tại trường. Chuyến công tác của đoàn chuyên gia Đại học Liège tại Trường Đại học Phan Thiết lần này nằm trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Dự án Quốc tế Việt - Bỉ 6.2 “Thiết lập chuỗi sản xuất bền vững nghề nuôi chim yến Aerodramus fuciphagus tại tỉnh Bình Thuận (Việt Nam): Đánh giá nguồn thức ăn bổ sung mới liên quan đến chất lượng dinh dưỡng tổ yến sau thu hoạch”.

Dự án do Trường Đại học Phan Thiết và Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) phối hợp triển khai. Đây là 1 trong 27 dự án thuộc khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Wallonie-Bruxelles (Vương Quốc Bỉ), giai đoạn 2022-2024. Dự án 6.2 đã được phê duyệt tại Công văn số 238/BKHĐT-KTĐN ngày 12/1/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công văn số 261/BGDĐT-HTQT ngày 24/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

tth07476.jpg

Ngoài sự tham dự của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu còn có trưởng, phó các đơn vị liên quan. Đoàn chuyên gia Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) gồm có: GS. Eric Haubruge - Cố vấn Hiệu trưởng Phụ trách Đổi mới Sáng tạo và Quan hệ vùng; PGS. Rudy Caparros Megido - Chuyên gia Khoa Côn trùng Chức năng và Tiến hóa, Trường Đại học Gembloux Agro-Bio Tech (Đại học Liège). PGS,TS. Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết hy vọng 2 trường sẽ phối hợp chặt chẽ, triển khai thành công Dự án 6.2, từ đó tiếp tục mở rộng nhiều hoạt động hợp tác khác trong thời gian tới.

Tiếp nối chuỗi hoạt động triển khai Dự án Quốc tế Việt-Bỉ 6.2 “Thiết lập chuỗi sản xuất bền vững nghề nuôi chim yến Aerodramus fuciphagus tại tỉnh Bình Thuận (Việt Nam): Đánh giá nguồn thức ăn bổ sung mới liên quan đến chất lượng dinh dưỡng tổ yến sau thu hoạch”, Trường Đại học Phan Thiết vinh dự là đơn vị tổ chức Hội thảo Giới thiệu Dự án Quốc tế này. Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tổng quát về Dự án 6.2, buổi Hội thảo đã tạo được một diễn đàn trao đổi sôi nổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân liên quan đến nghề nuôi chim yến. Hội thảo đã đem lại nhiều ý tưởng giúp Dự án 6.2 thành công hơn trong tương lai, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận nói riêng và tại Việt Nam nói chung. 

H.C