Những kinh nghiệm từ quản trị điểm đến bền vững

Du lịch - Ngày đăng : 06:02, 02/03/2023

Mới đây vào cuối tháng 2/2023, Hội thảo về “Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch” đã diễn ra tại TP. Phan Thiết. Đây được xem là một trong những hoạt động đầu tiên của chuỗi các sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh.

Hoạt động này do Văn phòng Hỗ trợ khu vực châu Á và Thái Bình Dương (thuộc Tổ chức Du lịch Thế giới), Trung tâm Giao lưu Du lịch châu Á - Thái Bình Dương phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận, Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Với nhiều nội dung liên quan được chia sẻ, thảo luận tại hội thảo nhằm trang bị cho cán bộ trong ngành, doanh nghiệp lưu trú - lữ hành, cộng đồng du lịch, Ban Quản lý các khu - điểm du lịch những kiến thức quan trọng về quản lý điểm đến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững… Nhất là với “Sổ tay hướng dẫn quản lý du lịch bền vững thông qua du lịch” (do Tổ chức Du lịch Thế giới giới thiệu) và bài ví dụ thực hành tốt về “Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch” ở Việt Nam (được Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch trình bày) là kinh nghiệm quý để Bình Thuận tham khảo, vận dụng vào thực tế.

img_1560.jpg
Với tiềm năng và lợi thế, Bình Thuận đang hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững (Ảnh minh họa).

Theo đó, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai dẫn chứng khá sinh động về Sin Suối Hồ - bản du lịch cộng đồng tại tỉnh Lai Châu với khoảng 120 hộ dân (100% là người Mông) mà cách đây gần 20 năm đều là hộ nghèo. Vậy mà nhờ các sáng kiến góp phần thay đổi tư duy, chủ động tìm kiếm thông tin và cách làm du lịch, cùng nhau đóng góp tạo ra sản phẩm: Homestay, dịch vụ ăn uống, biểu diễn văn hóa truyền thống, tour tìm hiểu thiên nhiên, làng bản… nên mỗi tuần đón 200 - 300 lượt khách. Đặc biệt, Sin Suối Hồ hiện là bản du lịch nổi tiếng và ấn tượng với “5 không”: Không người nghiện, không hút thuốc, không uống rượu, không cờ bạc, không đổ rác bừa bãi. Được biết, bí quyết thành công là nhờ địa phương xác định mục tiêu cụ thể (sinh kế bền vững cải thiện đời sống người dân), điểm đến (do người dân trực tiếp làm du lịch và làm chủ) cùng những vấn đề ưu tiên (cảnh quan môi trường, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, phương thức marketing…).

Trong khi đó, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2014. Tuy nhiên trước đó Ninh Bình vẫn là tỉnh nghèo, vì vậy địa phương xác định chuyển hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch. Đồng thời xác định phải phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp: Quy hoạch bài bản, định hướng vươn lên bền vững, phát huy giá trị di sản gắn với bảo tồn, xem du lịch là cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh. Trong đó người dân trực tiếp khai thác, quản lý bảo vệ di sản như tham gia chèo đò, làm hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm hoặc kinh doanh khách sạn, nhà hàng… Vì thế thành công đem lại là tổng thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng hơn 24%/năm, tạo ra 10.000 việc làm trực tiếp và khoảng 20.000 việc làm gián tiếp, thu nhập người dân tăng gấp 3 lần.

Đối với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), trước đây sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch còn rất mờ nhạt, nơi đây chỉ có khách đi về trong ngày, không lưu trú. Nhưng từ năm 2013, khi Sơn Đoòng được công nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới đã tạo tiếng vang và gầy dựng thương hiệu cho du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhờ đó thu hút hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia vào dịch vụ ăn uống, homestay, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm, làm hướng dẫn viên du lịch, tham gia đội thuyền phục vụ khách.

Trở lại điểm đến Bình Thuận, sở hữu gần 200 km bờ biển, có “đảo ngọc” Phú Quý cùng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thơ mộng, hệ sinh thái biển đa dạng, nhiều di tích lịch sử và lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc… là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng loại hình du lịch. Hiện địa phương cũng được công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né, định hướng trở thành điểm đến trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch: Nghỉ dưỡng biển, MICE, thể thao biển, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch tín ngưỡng, tham quan nghiên cứu văn hóa, lễ hội truyền thống… Vì vậy những kinh nghiệm từ quản trị điểm đến bền vững mà hội thảo đã đề cập đáng để Bình Thuận tham khảo, nghiên cứu vận dụng vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương...

Đ.QUỐC