Trăm năm trước, Phan Thiết níu chân du khách…
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:45, 03/03/2023
Ở Bình Thuận, trong những lúc du ngoạn và săn bắt trên các ngọn đồi phía đông thị xã Phan Thiết, Montpensier đã bị thu hút bởi cảnh đẹp nơi này để rồi quyết định mua đất và xây dựng một lâu đài nghỉ mát.
Công trình khởi công tháng 2/1911, sau gần 1 năm thì hoàn thành. Được biết villa Montpensier có 13 phòng đầy đủ tiện nghi. Đây được xem là một trong những công trình hiện đại bậc nhất Phan Thiết thời bấy giờ; và vì sự sang trọng đó mà người dân địa phương gọi là Lầu Ông Hoàng. Đến những năm 30 của thế kỷ XX, chính nơi đây đã ghi dấu nhiều giai thoại đẹp về mối tình thơ giữa Hàn Mặc Tử và người con gái xứ biển Mộng Cầm. Khu nghỉ mát của Ông Hoàng nước Pháp nằm trên đồi Bà Nài, thuộc làng chài Phú Hài. Làng này tuy nhỏ mà xinh, hàng ngày ghe thuyền chài lưới ra vào tấp nập. Trong tập khảo cứu về Bình Thuận viết năm 1933, Công sứ E. Levadoux cho biết: Ở đây cây cỏ xanh tươi tựa hồ như một cảnh đẹp ở bên kia bờ biển Địa Trung Hải: Nào là gò đống ngổn ngang chạy thẳng ra tận ngoài biển, nào là nhà mát của người Pháp cất ở giữa những khoảng vườn hoa, hương bay ngào ngạt… “Phú Hài thật là một nơi thừa lương dưỡng bệnh tuyệt đích, chẳng kém Nha Trang chút nào”.
Phan Thiết trăm năm trước là không gian của những tri thức hàng hải truyền thống nên thu hút sự chú ý của chuyên gia người Pháp là J.B. Piétri đến khảo cứu. J.P. Piétri vốn là một hoa tiêu trên sông Sài Gòn, sau đó được chuyển sang làm công tác kiểm ngư. Với công việc này, Piétri có điều kiện đến nhiều vùng sông nước khắp Đông Dương, tới tận Trạm Giang của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã tạo cho Piétri có một say mê kỳ lạ với thuyền bè dân gian.
Trong công trình Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương) xuất bản năm 1943, J.B. Piétri khẳng định: “Nếu trên thế gian này có một nơi để thuyền buồm cổ xưa đẹp như trong tranh trú đậu và hồi sinh lại trong muôn vẻ đa dạng thì đó chính là Biển Đông”. Trong đó, Phan Thiết chính là nơi hội tụ “đủ mọi loại thuyền Việt Nam đẹp như tranh”. Những con thuyền ấy được ngư dân “căng cờ hoa lễ, tết với đủ loại sống mũi màu sắc sống động, tô vẽ sặc sỡ tất cả những con mắt to mà người ta gặp được giữa biển, từ bắc chí nam xứ Đông Dương”.
Mũi Né nối Phan Thiết bằng một con đèo đẹp, dài 21 cây số. Trăm năm trước, tuy là một cảng cá nhỏ nhưng nơi đây nổi tiếng là nơi dân cư đông đúc và giàu có. Ở đó có trên 400 nóc nhà ngói xếp đài vòng, dựa lưng vào một cồn cát thơ mộng. Theo ghi chép của Piétri, Mũi Né “phất lên với nghề làm nước mắm”.
Vì phần đông dân cư hoạt động về ngư nghiệp nên làng chài này là “một trung tâm đóng thuyền mà danh tiếng đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam”. Nghệ nhân và thợ mộc đóng ghe Bầu ở Mũi Né được biết đến “là những tấm gương về lương tâm nghề nghiệp, về sự tinh thông công việc, lòng đam mê tạo ra một kiểu thuyền hoàn hảo xứng đáng với những lời tán dương”. Do đó, ghe Bầu Mũi Né là kiểu mẫu được áp dụng tại các xưởng đóng thuyền ngoài Hội An và Phổ An (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Trăm năm trước, những thông tin về xứ biển Phan Thiết cũng được nhắc đến trong các ấn phẩm đương thời. Trong một bài viết trên báo Tiếng dân(1), tác giả Bát Long cho biết, đến Phan Thiết điểm du lịch không thể bỏ qua là những ngôi tháp Chăm đỏ thẳm đứng uy nghi trên những ngọn đồi xanh ngát cây rừng. Đến đây, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những “điện các huy hoàng”, “đền đài tuyệt mỹ”(2) của Chiêm quốc xưa, cũng như khảo cứu về tư tưởng tôn giáo và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… tài hoa của người Chăm Bình Thuận.
Trên National Geographic Magazine (Tạp chí Địa lý quốc gia, số tháng 8/1931), tác giả Robert Moore giới thiệu ngành kinh tế chính của Phan Thiết là đánh cá. “Thị xã này nổi tiếng với nghề chế biến nước mắm có mùi khắm được chuyên chở tới khắp nơi tại Đông Dương như một thứ gia vị cho thực đơn kiểu gạo-và-cà ri của người dân. Nó là một sản phẩm nặng mùi, nhưng nếu ta có thể chịu đựng được mùi đủ lâu để thăm viếng các thuyền đánh cá dọc theo bến cảng, ta có thể nhìn thấy nó được đóng vào các hũ nhỏ (tĩn) và chất lên tàu chở đi”. Theo Moore, những con thuyền đấy cũng rất thú vị bởi trên mũi thuyền có đặt các bàn thờ thần linh được sơn màu sặc sỡ, trên đó bày các đồ cúng gồm nhang, hoa và nến.
Đầu những năm 1930, một nhóm học sinh của Trường vẽ Gia Định (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) đến Phan Thiết. Sản phẩm của chuyến trải nghiệm ấy là 21 bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh chân thực, trực quan về những hoạt động kinh tế đặc trưng của ngư dân Phan Thiết.
Qua một số tư liệu trên cho thấy, trăm năm trước Phan Thiết không chỉ nổi danh khắp Đông Dương với nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Với những thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và nhân văn nên Phan Thiết đã quyến rũ, níu chân du khách đến tham quan nghỉ dưỡng và nghiên cứu khám phá.
(1): Tiếng dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ do nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút; trong 16 năm hoạt động (1927 - 1943), báo ra được 1.766 số.
(2): Thơ của Chế Lan Viên.