Lòng mẹ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:53, 03/03/2023

Thế là hoàng hôn đang từ từ buông xuống. Trên nền trời xanh biếc, ai đó đem vắt những chiếc khăn lụa màu hồng ngang qua trông mới đẹp làm sao. Đang dở tay quét sân cũng phải dừng lại vài phút ngắm nhìn. Chợt nghĩ thầm cảnh đẹp như vầy thì dù trong lòng có đang đớn đau cũng không nở ghét bỏ, làm lơ không ngắm.

Cứ nhìn sắc màu rực rỡ của hoàng hôn, biết chắc ngày hôm đó phải là một ngày nắng đẹp. Thầm nghĩ đời người cũng vậy, khi còn trẻ không cố gắng làm việc, vươn lên thì khi về già sao có thể an nhàn, thư thái được. Nhất là đối với một người phụ nữ, cả một đời hy sinh lo cho gia đình, khi về già được quây quần bên con cháu, thấy con thành đạt, cháu khỏe mạnh tíu tít bên chân, như vậy đã là hạnh phúc.

me.jpg
Ảnh minh họa.

Đôi khi giữa bộn bề công việc và nỗi lo cơm áo, cảm thấy ngộp thở vì áp lực cuộc sống. Nhưng bao giờ cũng cố gắng vượt qua bởi đằng sau là cả một gia đình, là tương lai của các con. Trên thế gian này có người mẹ nào chịu ngồi yên nhìn con mình đói, khổ đâu. Người mẹ nào cũng muốn con mình được hưởng những điều tốt đẹp nhất nên bao giờ cũng lặn lội ngày đêm làm việc thật nhiều để kiếm tiền lo cho con.

Nhớ lại khi còn nhỏ, mẹ ít khi gần gũi tâm sự với con cái. Tất cả thời gian trong ngày mẹ đều dành để làm việc. Ban ngày lo việc đồng áng, tối đến lại cặm cụi bên ánh đèn dầu khâu vá quần áo cho lũ con, còn không thì lại tiếp tục công việc lẩy bắp, bào mì để sáng mai đem phơi. Lúc nào đôi tay mẹ cũng thoăn thoắt làm việc. Sau này khi đã làm mẹ, mới hiểu được nỗi khổ cực ngày xưa của mẹ. Một nách năm đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn, không làm việc thì lấy gì lo cho con. Làm cực khổ là vậy mà tới bữa cơm, bao giờ mẹ cũng vét cơm cháy ăn với nước cá kho không thì chan canh lùa vội hai chén cơm. Mẹ bảo thích ăn vậy. Thật ra sau này khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu mẹ nhường cơm, cá cho các con, phần mình chỉ ăn qua loa cho xong bữa.

Hồi mới lớn tôi hay trách mẹ suốt ngày lúc nào cũng rầy la con cái và mong nhanh nhanh lớn để tự lập, tự do làm những gì mình thích. Bây giờ khi đã làm vợ, làm mẹ tôi mới hiểu mẹ rầy la cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Nếu cứ để chúng tôi làm theo ý thích, ăn ngủ rồi chơi chẳng làm việc, chẳng lo học hành thì tương lai phía trước sẽ tăm tối. Mẹ không muốn chúng tôi phải khổ như mẹ nên mới bắt ép chúng tôi học. Cực đoan đến độ đúng 7 giờ phải ngồi vào bàn học, tới 9 giờ đêm mới được đi ngủ. Bao giờ mẹ cũng thủ thỉ: Đời mẹ không biết chữ mà khổ, ráng lo mà học để sau này có nghề có nghiệp cho đỡ khổ. Vì lo cho con ăn học mà mẹ làm ngày làm đêm, tằn tiện từng đồng ăn chẳng dám ăn. Tới khi con cái đã có nghề có nghiệp, mẹ đổ bệnh. Đủ thứ bệnh, nào là tiểu đường, huyết áp, hở van tim… Cơ thể đình công sao bao nhiêu năm vắt sức làm việc. Mỗi lần nhớ mẹ lại xót, lại thương biết bao.

Làm mẹ bao giờ cũng phải chịu hy sinh, ôm tất cả cực nhọc về mình nhưng trên thế gian này người phụ nữ nào cũng khát khao được làm mẹ. Nó như là bản năng. Một người chị làm mẹ ở tuổi bốn mươi tâm sự với tôi: Mỗi ngày chỉ cần được nghe con cười, con hát là bao nhiêu mệt nhọc tan biến, con là tất cả lẽ sống của cuộc đời chị. Khi nghe chị tâm sự như vậy, tôi biết chị nói thật lòng. Tình yêu, lẽ sống của người phụ nữ chỉ là gia đình nhỏ, là những đứa con thơ. Trên thế gian này không có gì bao la hơn tình mẹ. Mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con dù những đứa con có lớn, có lập gia đình, có trở thành những người ông, người bà rồi. Trong mắt mẹ, con bao giờ cũng chỉ là đứa trẻ cần quan tâm, chăm sóc.

Tất cả cực khổ mẹ phải gánh chịu, không bao giờ mẹ tâm sự cùng con. Những đứa con thì vô tâm quá đỗi. Bao giờ nghe mẹ càm ràm cũng khó chịu, bực bội chỉ muốn đủ lông đủ cánh để bay xa. Với chúng chân trời ngoài kia đầy sắc màu, rực rỡ, tự do hơn. Chỉ khi đã rời tổ ấm nhỏ, rời sự bảo bọc của mẹ chúng mới cay đắng hiểu ra rằng “cơm người khổ lắm ai ơi, chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Lúc đó mới thấy biết ơn những lời la mắng của mẹ vì nhờ chúng mà ta mới trưởng thành. Rồi khi lập gia đình, trở thành mẹ, mới hiểu hết những vất vả ngày xưa của mẹ, mới thấy thương mẹ nhiều hơn.

Người ta nói: Trưởng thành là khi biết quan tâm đến người khác. Quả thật là như vậy. Nhưng muốn trưởng thành, người ta cần quá trình sống và trải nghiệm chứ không phải chỉ là già đi về tuổi tác. Chỉ khi trải qua đớn đau, chỉ khi nếm trải những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, người ta mới dần dần thấu hiểu nỗi đau, mới có cái nhìn bao dung và mới biết quan tâm yêu thương đến người khác. Đáng tiếc là khi ta trưởng thành, mẹ đã già yếu lắm rồi đã chịu nhiều đau khổ lắm rồi. Có người chẳng còn mẹ nữa để mà chăm sóc. Khi ấy mới thấy quý những ngày còn được bên mẹ. Nên những ai còn mẹ là hạnh phúc lớn nhất, hãy dành thời gian để yêu thương, chăm sóc mẹ dù người già chẳng cần ăn ngon, chẳng cần quần áo đẹp. Họ chỉ cần cảm nhận được tình thương của con cái để thấy ấm lòng những ngày hoàng hôn của cuộc đời mình, để mỉm cười, thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản như buổi hoàng hôn trời đem phơi khăn hồng.

Ngân Khánh