Hoài niệm những đêm thơ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:55, 03/03/2023

Sau ngày đất nước thống nhất, trong số rất nhiều các hoạt động văn hóa nghệ thuật mang nét đặc sắc riêng của Thuận Hải, rồi Bình Thuận, phải kể đến những đêm thơ - nhạc.

Những đêm thơ - nhạc giới thiệu những tác phẩm của những nhà thơ, nhạc sĩ của quê hương đã được tổ chức rất nhiều lần, ở những không gian phù hợp, từng để lại những luyến lưu trong lòng người thưởng thức. Ngoài phần nhạc đã được các nhạc sĩ, ca sĩ chuẩn bị kỹ lưỡng; thì phần thơ trong những đêm được giới thiệu ấy thường được các nhà thơ chọn lọc, gởi gắm những cảm nhận, những tiếng lòng, những tâm sự đến với công chúng. Nhiều năm trước đây, những anh chị ở những đơn vị tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo cho những đêm thơ - nhạc này. Đây là dịp để những người sáng tác, những người thể hiện, những người thưởng thức gặp nhau, trao đổi về những tác phẩm văn chương nghệ thuật.

tho.jpg

Những đêm thơ - nhạc ấy, có khi là sự tổ chức của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, của những Chi hội Văn học – Nghệ thuật các huyện, thị xã, riêng đối với thành phố Phan Thiết là Chi hội Văn học, của những cơ quan quản lý văn hóa và cả của những nhà thơ có sáng tác mới được in. Trước đây, những đêm thơ - nhạc được tổ chức theo các chủ đề, các sự kiện… Từ năm 2003, hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam, những đêm thơ Nguyên Tiêu đã được tổ chức tại tỉnh ta với những quy mô, hình thức khác nhau. Ngoài những bài thơ của những tác giả nổi tiếng có thơ được chọn đưa vào giảng dạy trong các nhà trường, những đêm giới thiệu về thơ của các tác giả trong tỉnh (Riêng lẻ từng bài hay toàn tập thơ) cũng đã giới thiệu thơ của nhiều tác giả: Phan Minh Đạo, Huy Sô, Lê Nguyên Ngữ, Nguyễn Như Mây, Đỗ Quang Vinh, Đào Văn Chừ, Võ Nguyên, Võ Thị Hồng Tơ, Đoàn Vũ, Đoàn Thuận, Mai Việt… Cũng đã có những nhà thơ tổ chức những đêm thơ - nhạc giới thiệu với độc giả những tập thơ mới của mình: Nguyễn Thị Liên Tâm, Hồ Việt Khuê… Ban Quản lý tháp Pô Sah Inư cũng phối hợp với các anh chị em có chuyên môn ở Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức những đêm thơ - nhạc Hàn Mặc Tử.

Trước ngày giải phóng, việc ngâm thơ, đọc thơ diễn cảm đã được các nhà thơ lớp trước yêu thích, thể hiện. Và rồi, những đêm thơ - nhạc được tổ chức nhiều hơn sau ngày giải phóng. Đã có những anh chị em tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc từ các trường nghệ thuật, am hiểu các làn điệu ngâm thơ, các điệu hò, hát ru, lẩy Kiều… ngâm trong các đêm thơ. Yêu thích việc ngâm thơ, người viết bài đã có những lần được tham gia ngâm thơ với những anh chị em ấy ở những không gian khác nhau. Trải nghiệm thực tế đã đưa lại những cảm xúc nhiều cung bậc trong tôi sau những lần ngâm thơ ấy.

Tôi cùng những anh chị em tham gia chương trình yêu vô cùng không gian thoáng đãng, thật mát của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận bên bờ sông Cà Ty trong những đêm thơ Nguyên Tiêu. Chúng tôi luôn nhớ về không gian trầm mặc của tháp Pô Sah Inư những đêm thơ- nhạc Hàn Mặc Tử. Tôi thích độ yên tĩnh tuyệt đối trong phòng thu tiếng của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh những năm trước đây trong một số lần thu thơ tết. Chúng tôi trân trọng và dành sự chuẩn bị chu đáo nhất của mình khi ngâm, hoặc đọc diễn cảm những lời thơ trong những đêm thơ giới thiệu tác phẩm của những tác giả ở địa phương. Tôi nhớ mãi không gian rộng lớn với ánh trăng bàng bạc, hết sức thơ mộng ở Khu du lịch Bàu Trắng, Bắc Bình trong đêm thơ - nhạc giao lưu nghệ thuật…

Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn những đêm thơ Nguyên Tiêu hai năm qua. Nay, quê hương đã trở lại với mọi hoạt động nhộn nhịp thường ngày. Những đêm thơ, ngày thơ đã có điều kiện trở lại với Bình Thuận. Trong hành trình đến với những đêm thơ trước đây ở Phan Thiết từng có sự góp mặt của những nghệ sĩ của tỉnh nhà nổi tiếng trong việc ngâm thơ. Nay có hai chị đã đi vào cõi thiên thu. Có chị với giọng ngâm mượt mà của miền Trung nay đã về quê hương xứ Huế. Có em vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Hình như trên địa bàn Phan Thiết chỉ còn vài gương mặt anh chị em ngâm thơ chuyên nghiệp, trong đó có các ca sĩ Thi Phương, Đức Ngọc, Bích Huyền…

Phải nhìn nhận một thực tế là, ngâm thơ là một loại hình biểu diễn khá chuyên biệt, và đã có những nghệ sĩ ngâm thơ từng đem lại những rung cảm đặc biệt với người nghe; tuy vậy, thế hệ trẻ ngày nay lại ít người thích tìm hiểu, thể hiện. Các Chi hội Văn học - Nghệ thuật các địa phương trong tỉnh ta có nhiều anh chị em yêu thơ, thích ngâm, đọc thơ cùng bè bạn trong những đêm thơ Nguyên Tiêu, những dịp sinh hoạt khác. Song người ngâm thơ chuyên nghiệp ở Phan Thiết có vẻ vắng dần. Ngâm thơ rồi có khi nào chỉ còn bảng lảng trong ký ức của bà con ở quê hương? Thời đại của công nghệ, liệu có những người yêu thơ nào của ngày nay ở miền biển Phan Thiết thân yêu thích tiếp cận với những điệu ngâm khác nhau đối với những bài thơ mà thế hệ trước đã từng?

Dẫu có thế nào, thơ hay vẫn còn cần cho cuộc sống hôm nay. Bởi khi con người còn nhịp đập của trái tim, thì tình yêu, niềm vui, nỗi buồn, những cung bậc cảm xúc đa chiều mãi vẫn còn hiện hữu. Và ở đấy, thơ vẫn còn là một trong những cách hữu hiệu để con người ghi lại, lưu lại những rung động của mình; để những bài thơ hay với những ngôn từ đẹp đẽ, mang nhiều ý nghĩa với cuộc sống vẫn có người nhớ đến, để lời thơ vẫn còn là một phần không thể thiếu trong nhiều khúc tình ca.

Minh Trí