Xanh sạch tình người
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:57, 03/03/2023
Trong các mối quan hệ triển khai đó, gợi tôi nghĩ đến vấn đề ứng xử trong văn hóa giao tiếp, việc xây dựng hình ảnh con người Bình Thuận lịch sự văn minh đón khách quốc nội, quốc tế đến thăm miền quê duyên hải thơ mộng với những không gian thiên nhiên ưu đãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng, xây dựng quê hương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng nét đẹp văn hóa trong lòng bạn bè trên khắp năm châu, thật vô cùng quan trọng.
Tôi đặt ra vấn đề này bởi trong mấy ngày qua, trên VTV cũng như trên các mạng truyền thông đưa tin một số người Việt có những hành vi lừa đảo ứng xử không văn hóa với du khách nước ngoài. Cụ thể như trường hợp tài xế tên Trương Hải (31 tuổi), chở một hành khách mang quốc tịch Hàn Quốc tên là Heo Hyeyun (35 tuổi) từ sân bay Đà Nẵng về khách sạn trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, quãng đường 4,5 km, nhưng Trương Hải đã “chặt chém” vô tội vạ thu cước vận chuyển chị Heo Hyeyun số tiền lên đến 2.110.000 đồng, cao gấp 10 lần cước vận chuyển taxi thông thường. Khi nghe tin khách lên tiếng phản ứng, buộc Trung tâm Hỗ trợ du khách (Sở Du lịch Đà Nẵng) phối hợp với Công an thành phố vào cuộc để truy thu trả lại cho khách(1). Từ hiện tượng ứng xử đó, tôi nhớ trước đây có đọc hồi ký Tự phán của cụ Phan Bội Châu, trong mục Người phu xe hiếm thấy khi cụ đến Nhật.
Lược kể rằng, năm 1905, được Lương Khải Siêu giới thiệu, cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đi xe lửa đến Đông Kinh (Tokyo) để tìm một học sinh người Hoa tên Ân Thừa Hiến ở nhà Chấn Võ. Địa chỉ có thế thôi. Xuống tàu lửa, cụ vẫy một phu xe và đưa mảnh giấy, nhưng anh phu xe không biết chữ Hán, đành tìm một phu xe biết chữ Hán giúp. Phu xe biết chữ Hán đến và chở hai vị khách họ Phan, Tăng đến địa chỉ trong giấy, nhưng đến nơi, Ân Thừa Hiến đã chuyển nhà đi nơi khác. Người phu xe bối rối, cúi đầu suy nghĩ một lúc, rồi kéo hai ông đến con đường hẻm và dặn: “Các ngài cứ chờ tôi ở đây, để tôi đi tìm chỗ người đó, tức khắc sẽ trở lại”. Đến sau 3 giờ tìm kiếm – lúc này cụ Phan nghĩ diện tích Đông Kinh quá rộng, lữ quán có hàng vạn, một phu xe Nhật Bản làm sao tìm nổi tên một học sinh người Tàu. Không ngờ anh phu xe quay lại và vui vẻ cho biết đã tìm được địa chỉ. Phải mất 1 tiếng đồng hồ nữa người phu xe mới đưa được hai ông khách nước ngoài đến nơi. Thời gian mất đến 4 tiếng, như vậy mà không ngờ người phu xe làm cụ Phan giật mình vì anh ta chỉ lấy tiền vận chuyển có “2 hào 5 xu”. Cụ Phan viết: “Bấy giờ hỏi giá xe nó chỉ đòi hai hào năm xu. Chúng tôi lấy làm lạ lắm, rút một đồng bạc trong túi ra trao cho nó và tỏ tấm lòng cảm ơn đền công, nhưng nó không chịu lấy, rút vở nhỏ trong túi ra viết chữ nói với chúng tôi rằng: “Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ ga Ðông Kinh đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy, vả lại các người là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tôi tiền xe quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó”. Phần kết mục này, cụ Phan viết: “Chúng tôi nghe lời nói ấy, từ tạ xong, tự nghĩ càng thêm tủi! Than ôi! Trí thức trình độ nước dân ta xem với tên phu xe Nhật Bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao!”.(2)
Bây giờ đọc lại câu chuyện này của cụ Phan cách đây đã 118 năm, gợi cho tôi bao điều suy nghĩ về việc xây dựng quê hương đi lên bằng con đường “công nghiệp không khói”, là ngành dịch vụ trong quá trình phát triển không xả thải ra môi trường các khí thải độc hại, gây ô nhiễm không khí, làm tôi thẫn thờ bởi rác thải có khi được thu dọn sạch sẽ gọn gàng trên ruộng đồng đường phố, nhưng nó lại rơi rớt mờ nhòe vấy bẩn đang tồn tại trong hành vi – động thái của con người, ở đó không chỉ cá biệt có một Trương Hải kia mà còn không ít những người na ná như thế, không chỉ chặt chém tiền vận chuyển du khách nước ngoài mà còn chặt chém cả chuyện mua bán, ăn uống, nhưng không riêng gì với người nước ngoài mà ứng xử như thế ngay cả người Việt với nhau nữa.
Nhân Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, tất cả các phương tiện truyền thông đang ra sức tuyên truyền kêu gọi toàn dân góp phần tham gia xây dựng một Bình Thuận văn minh đón khách quốc nội, quốc ngoại, tôi có suy nghĩ, từ trong giáo dục nhà trường đến các xã phường, thôn xóm, tập trung xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch là điều quan trọng, nhưng xây dựng hình ảnh con người ứng xử văn hóa còn quan trọng hơn, để khách thập phương vui lòng thích thú khi đến và vừa lòng khi đi để còn mong ngày trở lại. Đó là việc xây dựng quê hương cho con cháu hàng trăm năm sau chứ không chỉ 1 năm nhất thời.
(1)Chuyện mới xảy ra vào giữa tháng 2/2023 -infonet.vietnamnet.vn;
(2) Di cảo cụ Phan Bội Châu – Tự phán, trang 65, NXB AnhMinh, 1956.