Buồn thương cây trôm
Kinh tế - Ngày đăng : 08:29, 02/11/2018
Chăm sóc cây trôm. Ảnh: Đình Hòa |
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Chúng tôi về Vĩnh Hảo khi tiết trời đã chớm cơn gió bấc. Nắng gắt, gió thổi ràn rạt làm khát khô người. Ghé vào các quán nước giải khát ven quốc lộ 1A, tìm ly nước mủ trôm uống để “lấy lại sức khỏe” mà không nơi nào có. Thế nhưng, điều mà chúng tôi nghe được lại là câu chuyện giá mủ trôm ở Vĩnh Hảo “tuột dốc không phanh”, nông dân buồn thê thảm...
Tìm đến nhà ông Phan Khắc Phong, thôn Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo. Trước đây, ông Phong là Tổ trưởng Tổ cây trôm ở Vĩnh Hảo, có gần 10 năm gắn bó với cây trôm. Nghe hỏi chuyện cây trôm, ông Phong cười buồn: “Khổ lắm chú ơi. Biết bao giờ nông dân chúng tôi mới thoát cảnh trồng chặt, chặt trồng, được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nói rồi ông Phong đưa bàn tay gân guốc lên nhẩm tính: 1 ha trôm, phải thuê từ 25 - 27 công thu hoạch cho 1 kỳ trôm ra mủ, chi phí trên 13 triệu đồng. Nhưng giờ này mủ trôm liên tục rớt giá và hiện đang được thương lái thu mua ở mức từ 120.000 đồng/kg khô, 30.000 đồng/ kg tươi thì giá bán thành phẩm không đủ trả tiền công, nói chi đến lãi.
Theo con đường vào xóm 1C thôn Vĩnh Sơn, chúng tôi ghé vào những vườn trôm trải dài hồ Đá Bạc, dưới chân núi Gia Lư, nhưng các vườn hầu như vắng chủ, buồn hiu hắt. Nhìn những cây trôm gốc to bằng người ôm, có tuổi đời từ 10 - 20 năm nhưng từ lâu thiếu bàn tay chăm sóc của con người đã trở nên cằn cỗi, xơ xác. Có vườn, mủ trôm ứa ra từ thân cây đã chuyển sang màu nâu xám, cỏ cây mọc phủ gốc, vươn cả lối đi... Sau gần 7 tháng nắng gắt, những cơn mưa nặng hạt vừa qua dường như không đủ sức để mang lại màu xanh cho rừng trôm thay lá. Ông Phong bảo, trước đây khu vực rừng trôm luôn nhộn nhịp người lui tới bán mua, tiếng cười tiếng nói rộn ràng lắm, còn nay thì lâu lâu chủ vườn mới vào thăm, không còn nhiều người quan tâm đến trôm nữa.
Dẫn chúng tôi vào vườn trôm rộng 2 ha của gia đình, ông Phan Khắc Phong nói: Vườn trôm này trước đây, vợ chồng tôi thuê nhiều công lao động làm cỏ, đục lỗ, thu hoạch, làm dăm mủ trôm (mủ trôm có lẫn vỏ cây). Giờ, giá thấp, vợ chồng ông phải tự làm, kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ không dám thuê công lao động vì không đủ tiền để trả. Ông Phong đã “cắt ra” hơn 2 sào trôm cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh thuê thử nghiệm trôm lấy hạt mà không khai thác mủ. Ngồi nghỉ chân trong khu vườn, đôi mắt của lão nông có hơn 10 năm gắn bó với cây trôm buồn rười rượi. Cơn gió chiều thổi rào rạt qua rừng trôm làm rơi rụng những chiếc lá trôm úa vàng trên mái tóc và đôi vai gầy của ông. Nhặt chiếc lá, vo tròn trong tay, ông Phong bộc bạch: “Dành biết bao công sức cho vườn trôm này mong kiếm cái ăn để dưỡng già. Vậy mà giờ, bỏ thì thương, vương thì tội”.
Tuy Phong có 490 ha trôm, trong đó Vĩnh Hảo có tới 400 ha. Trong gần 20 năm qua, loại cây cho thứ mủ trắng này được xem là cây trồng chủ lực của người dân khi giá mủ trôm ở thời kỳ đạt đỉnh lên đến gần 350.000 đồng/kg khô, 200.000 đồng/kg tươi. Thời điểm năm 2013, đến Vĩnh Hảo đâu đâu cũng nghe người ta bàn xôn xao về chuyện cây trôm. Nhiều người nhờ trôm mà trở thành triệu phú. Nào là ông này trúng mủ trôm mua vàng để dành làm của, rồi bà kia cưới vợ cho con trai thật “hoành tráng” từ tiền bán mủ trôm. Những chiếc xe máy đời mới, những ngôi nhà ngói, cao tầng mọc lên ở vùng quê nghèo cũng từ những mùa trôm bội thu. Hàng trăm nông hộ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng không dư dả gì, bỗng chốc đổi đời chỉ sau vài vụ trôm trên những mảnh vườn diện tích khoảng độ vài sào. Năm 2013, Nhà máy công nghệ Vĩnh Tân khởi công xây dựng tại xã Vĩnh Hảo, chủ doanh nghiệp này cam kết sẽ thu mua toàn bộ mủ trôm của người nông dân. Thời điểm đó, với mức giá cao của thị trường và những cam kết của doanh nghiệp hấp dẫn khiến nhiều hộ dân thế chấp sổ đỏ, nhà cửa, đất đai... để vay vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng trôm. Giá đất nông nghiệp, giá trôm cứ tăng vùn vụt… Thế nhưng, bao năm qua, Nhà máy công nghệ Vĩnh Tân chưa thu mua một ký mủ trôm nào của người nông dân thì đã “bỏ của chạy lấy người”, đến nay nghe đâu đã bán lại cho chủ khác. Trong khi đó, mủ trôm làm ra chẳng có người mua, giá cả thì cứ trồi lên trụt xuống khiến người trồng trôm... “cười ra nước mắt”.
Không chịu nổi với giá cả mủ trôm bấp bênh, một số hộ đã cho đào gốc trôm chuyển sang trồng cây hành tím. Chỉ những gốc trôm to, có đường kính hơn ngang tay trốc gốc, nằm trơ trụi dưới nắng, ông Lê Ngẹo ở Vĩnh Hảo nói: “Lúc quyết định đào gốc 7 sào trôm, tôi mất ăn mất ngủ nhiều đêm, đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Có hôm đưa máy móc ra để chuẩn bị đào, tôi thấy tiếc lại dừng. Cuối cùng thì không còn cách nào khác...”. Theo ông Lê Ngẹo, trồng các loại cây ngắn ngày dễ có nguồn thu nhập, trang trải gia đình, còn nếu cứ tiếp tục duy trì vườn trôm thì gia đình ông có nguy cơ lâm cảnh nợ nần, thiếu ăn.
Theo những lão nông ở Vĩnh Hảo, thường trôm được trồng với mật độ khoảng 1.000 cây/ha, vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng/ha. Đến năm thứ 3, thứ 4, trôm đã bắt đầu cho thu hoạch mủ. Thế nhưng, cũng vì chật vật đầu ra, nhiều hộ dân ở Vĩnh Hảo giờ chẳng thiết tha đến việc chăm sóc vườn tược. Còn những lão nông như ông Phong, ông Ngẹo… thì chuyện trồng trôm là câu chuyện dài mà trong đó niềm vui thì ít hơn nỗi buồn.
Hướng đi nào cho cây trôm…
Ở Tuy Phong có doanh nghiệp tư nhân Liên Hảo, chuyên sản xuất nước giải khát từ mủ trôm nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa “níu chân” người tiêu dùng. Năm 2018, xã Vĩnh Hảo thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp. Trong đó 2 sản phẩm chủ lực được HTX hướng đến để tìm lối thoát cho nông dân là cây trôm và cây lúa. Là Phó Chủ nhiệm HTX, ông Phong đã nỗ lực rất nhiều để quảng bá, đưa sản phẩm mủ trôm của Vĩnh Hảo đến khắp nơi, trong đó có hội chợ của tỉnh. Thế nhưng, vẫn không cải thiện được tình hình và luôn ở thế “lực bất tòng tâm”.
Theo ông Phong, hiện tại ở Vĩnh Hảo, cây trôm vẫn chiếm hàng đầu mà chưa có cây nào thay thế. Tuy nhiên, nông dân ở Vĩnh Hảo đang “trục trặc” khâu áp dụng khoa học kỹ thuật các công đoạn từ chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Cây trôm đã có mặt gần 20 năm ở đất Vĩnh Hảo, nhưng đến giờ nhiều hộ trồng trôm vẫn làm theo dạng thủ công, kiểu “kinh nghiệm” nên không phát huy được hiệu quả mà còn làm cho cây trôm giảm năng suất, chất lượng mủ, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ và đời sống. Điều đáng lo ngại có nhiều giống trôm quá kém, có vườn khai thác quá mức dẫn đến trôm suy kiệt. Ông Phong cho rằng yếu tố quyết định vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Hầu hết, nông dân bán mủ trôm theo dạng nhỏ, lẻ… và để mặc cho thương lái áp đặt giá cả, thao túng, đẩy người nông dân vào thế bị động phải bán tháo, bán đổ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, mủ trôm được xem là nguồn thu nhập chủ yếu của nông dân Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, lâu nay người dân luôn chật vật do giá cả và chất lượng sản phẩm mủ trôm, không ít hộ dân đã quay lưng với cây trôm để chuyển sang trồng cây khác. Theo ông Hậu, để cho người dân yên tâm hơn với loại cây trồng này thì rất cần những chương trình hỗ trợ sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân vùng sản xuất trôm. Đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên về đầu tư khoa học, khuyến nông, hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ chế biến, gắn phát triển thị trường mủ trôm cả về xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch xã Vĩnh Hảo cho biết: “Cây trôm đã giúp nông dân giảm nghèo. Trước khó khăn của nông dân, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, động viên bà con nông dân cố gắng giữ lại diện tích trôm, chờ giá mủ vượt qua ngưỡng cửa rớt giá, tránh việc chặt bỏ, gây tổn thất lớn hơn”.
MINH CHIẾN