Ước mong của Tuấn Anh

Đời sống - Ngày đăng : 20:57, 09/10/2022

Nguyễn Ngọc Tuấn Anh, thường trú tại khu phố 6, phường Tân An, thị xã La Gi là một chàng thanh niên khuyết tật đầy nghị lực mà gặp mặt lần đầu, bất kể ai cũng sẽ có cảm tình với em, bởi nụ cười thân thiện luôn tỏa sáng trên khuôn mặt hiền lành và khá điển trai.

Bất hạnh ập đến

Vốn là cậu bé sinh non, sau 4 tháng ra đời lại bị cơn sốt bại liệt hành hạ nên di chứng để lại là giật dây thần kinh 6,7, dây nói bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên Tuấn Anh không thể phát âm như những đứa trẻ bình thường khác.

Chị Nguyễn Thị Hiên, mẹ Tuấn Anh cho biết, mỗi lần con nói, các cơ trên mặt đều giật lên, miệng méo và tiếng phát ra không còn rõ chữ. Hai tay của em yếu so với bình thường, việc cầm nắm cũng hết sức vất vả.

1658296381892-1-.jpg

Nỗ lực luyện rèn

Ngay từ khi còn nhỏ, em đã rất ham học chữ và thường theo mẹ đến trường (mẹ em vốn là cô giáo dạy tiểu học). Ngày vào lớp 1, trẻ bình thường đã phải vất vả đọc, viết thì em càng khó khăn gấp bội phần.

Tuy thế, mẹ em cho biết, chưa bao giờ em nản học và buông xuôi. Mỗi ngày tập đọc vài âm vần, luyện viết vài chữ. Cái khó nhất với em là đọc làm sao để người nghe hiểu được. Thế nên, em phải tập, phải luyện, phải rèn liên tục cách phát âm, cách nói sao cho dễ nghe nhất.

Nhờ luôn cố gắng luyện tập, mỗi năm Tuấn Anh đều lên một lớp và nhiều năm liền đạt học sinh khá giỏi.

Ngoài việc học, Tuấn Anh rất đam mê tìm hiểu về máy tính. Thấy con đam mê công nghệ, cũng là mong ước cho con cái nghề sau này tự nuôi sống bản thân nên tốt nghiệp lớp 12 xong, Tuấn Anh vào học và tốt nghiệp trung cấp nghề khoa Công nghệ thông tin Trường Kỹ thuật công nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

Sau ngày nhận tấm bằng về công nghệ thông tin, cũng đã có nhiều kỹ năng sửa chữa máy tính, cài đặt phần mềm, Nguyễn Ngọc Tuấn Anh đã hăm hở mang đơn đi tới nhiều nơi để xin việc làm. Em buồn rầu thổ lộ: “nhưng nơi nào em cũng chỉ nhận được những ánh nhìn thương cảm và lời hứa hẹn “sẽ xem xét và gọi sau” nhưng thời gian trôi đi mà bao lời hẹn của nhà tuyển dụng vẫn bặt vô âm tín”.

Em trở về quê nhà và xin vào một tiệm sửa máy vi tính để làm. Sau thời gian thử việc, em được nhận vào làm chính thức với mức lương 1.500.000 đồng rồi sau tăng dần lên 2.100.000 đồng. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, tiệm vi tính đóng cửa vì chủ muốn chuyển đổi nghề. Em tiếp tục bị thất nghiệp lần nữa.

Tìm kiếm cơ hội mới

Tuấn Anh lấy bút tại Trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Một mình rong ruổi cùng chiếc xe máy 3 bánh trên khắp các nẻo đường từ Bình Thuận đi Vũng Tàu, Đồng Nai, Nha Trang, Lâm Đồng, Ninh Thuận…

Đi các huyện, thị miền xuôi lại đi lên miền ngược. Đường xa, thời tiết bất thường cũng mặc. Bất kể là trời nắng hay mưa, nếu mệt quá cứ tấp xe vào bên đường chợp mắt một lúc rồi lại đi tiếp.

Nhiều người thấy thương nên cũng mua giúp. Ngày nhiều bán được 200 cây viết, ngày ít được vài chục cây. Mỗi cây viết lời khoảng 2.000 đồng nhưng tiền thuê nhà nghỉ mất khoảng 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Nếu trừ tiền ăn, chi phí nhà ở thì có ngày cũng chỉ dư được khoảng 100.000 đồng.

Dù không nhiều nhưng cũng tự kiếm được tiền nuôi bản thân đỡ làm gánh nặng cho cha mẹ nên vẫn luôn gắng sức. “Người đời không cho cơ hội, mình lại tự tạo cơ hội cho bản thân”. Tuấn Anh nói mình bắt đầu lại công việc sửa máy vi tính, cài đặt phần mềm. Ai gọi đi sửa dù là gần hay xa em cũng đi đến tận nhà để sửa.

Cô Trịnh Thị Duyên, giáo viên Trường tiểu học Tân Bình cho biết Tuấn Anh rất chăm chỉ, sửa máy tính rất nhiệt tình nên mỗi khi thầy cô trong trường có nhu cầu sửa máy cũng đều gọi cho em.

Muốn có công ăn việc làm ổn định

Ngoài công việc sửa máy, gia đình còn hỗ trợ thêm cho em chiếc máy photocopy để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, hiện địa phương cũng có khá nhiều tiệm sửa chữa vi tính và phô tô tài liệu nên có khi cả tuần cũng chỉ được đôi ba khách hàng là nhiều.

Nói về ước mơ của mình, Tuấn Anh cho biết: “Con ước có một công việc để có thu nhập ổn định lo cho bản thân, cho bố mẹ khi tuổi già. Con cũng ước có một gia đình nhỏ cho riêng mình nhưng công việc cứ bấp bênh thế này thì ai ưng con mà lấy?”. Nói rồi em cười buồn, nụ cười làm se lòng người đối diện.

Không nề hà việc khó, không chê việc ít lương, năng nổ, nhiệt tình và cần mẫn. Thế nhưng, cơ hội việc làm vẫn chưa mỉm cười với em. Viết nên câu chuyện này, hy vọng ai đó có công việc phù hợp sẽ giúp cho Tuấn Anh có cơ hội được làm việc để thực hiện được ước mơ của đời mình.

Phan Tuyết