Tuy Phong: Bức tranh kinh tế đa sắc màu
Kinh tế - Ngày đăng : 05:11, 08/03/2023
Trung tâm năng lượng quốc gia
Là huyện nằm phía bắc của tỉnh, giáp Ninh Thuận, số giờ nắng và lượng gió trong năm tương đối lớn, lại có bờ biển dài, nên Tuy Phong rất thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và phát triển công nghiệp phụ trợ ngành năng lượng. Những năm gần đây, về Tuy Phong, nhiều người ngạc nhiên khi thấy những trang trại điện mặt trời, những dự án điện gió với những cánh quạt gió khổng lồ quay suốt ngày đêm. Từ vùng chưa có điện lưới quốc gia đến nay đã trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, cho thấy Tuy Phong góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp rất lớn vào GRDP và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Vì thế, trong chuyến thăm và làm việc với UBND huyện Tuy Phong mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã nhấn mạnh: Tuy Phong cần khai thác tiềm năng lợi thế về nắng và gió để thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nói riêng và của cả tỉnh nói chung; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân trong vùng.
Chính sự xuất hiện ngành công nghiệp điện, đã góp phần quyết định đưa Tuy Phong từ một huyện nghèo, có điểm xuất phát thấp thành huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt. Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Sản lượng lương thực năm 2022 là 28.311 tấn, đạt 111,9% kế hoạch; sản lượng khai thác hải sản 57.300 tấn, đạt 104,18% kế hoạch; sản lượng tôm giống 28.000 triệu post, đạt 114,29%... Công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường tiếp tục được quan tâm, môi trường tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt khá cao, hơn 368 tỷ đồng, đạt 170,6% dự toán tỉnh giao, đạt 169,1% dự toán huyện giao, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
6 nhiệm vụ, giải pháp
Với dân số tương đối đông, sinh sống tập trung ở hai thị trấn và các xã đồng bằng, ven biển, do đó hoạt động thương mại - dịch vụ có điều kiện phát triển nhanh. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án “Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch” trong giai đoạn 2015 – 2020 và tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025, đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới. Không chỉ vậy, Tuy Phong còn là cửa ngõ kết nối của tỉnh với vùng duyên hải miền Trung với hệ thống giao thông đối ngoại tương đối thuận lợi, dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm của tỉnh và vùng Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, Tuy Phong còn là 1 trong 3 ngư trường lớn của tỉnh với nhiều loài hải, đặc sản có giá trị kinh tế cao; là vùng sản xuất tôm giống chất lượng và có thương hiệu. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất ngày càng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các cây trồng có lợi thế của huyện như cây nho, cây táo, các loại cây dược liệu, tảo spirulina… Chính những điểm nhấn ấy đã tạo nên bức tranh kinh tế đa sắc màu ở vùng đất vốn thừa nắng thiếu mưa này.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Trực, xác định 2023 là năm bản lề, quyết định thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, do đó UBND huyện đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm nay. Theo đó, sẽ tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, các kế hoạch, chuyên đề của Huyện ủy, Nghị quyết HĐND huyện đã giao. Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện (1983 – 2023). Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, quan tâm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Phát huy hạ tầng kết nối với tuyến đường cao tốc Bắc – Nam và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch. Nâng cấp, mở rộng các chợ truyền thống, phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên. Triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Phối hợp các sở, ngành, tỉnh tạo điều kiện đưa Khu sản xuất giống thủy sản Chí Công vào hoạt động. Huy động các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn, hạ tầng nghề cá và các công trình phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, khoáng sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ môi trường tại khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đồng muối Thông Thuận. Đặc biệt, triển khai thực hiện chủ đề năm 2023 “Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp”. Đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải; kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, nâng cấp, mở rộng khu xử lý rác thải…