Vì sao CDC Bình Thuận thiếu vắc xin?

Đời sống - Ngày đăng : 05:34, 09/03/2023

Người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng dại, phòng uốn ván, cúm, viêm não… nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận (CDC) hiện nay không có vắc xin, dán thông báo tạm hết.
cdc-1.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận.

Hết nhiều loại vắc xin

Anh Trần Thanh Huy (TP. Phan Thiết) bị chó con cắn, vết cắn nông. Để phòng bệnh dại, anh Huy đến CDC để tiêm vắc xin phòng dại, nhưng hết vắc xin. Nhân viên phòng tiêm chủng ở đây hướng dẫn anh đến các phòng tiêm chủng tư nhân trên đường Nguyễn Hội, đường 19/4. Còn ông Nguyễn Văn Vinh (Hàm Thuận Bắc) bị vật nhọn đâm vào chân, sau khi khâu vết thương, trạm y tế xã tư vấn ông đi tiêm ngừa uốn ván. Ông Vinh đã tiêm mũi 1, đến mũi 2 thì tiếp nhận thông tin tại CDC tỉnh là hết vắc xin và được tư vấn đến nơi khác để tiêm.

thong-bao-vx-1.jpg
Thông báo được dán tại phòng tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận.

Ghi nhận tại phòng tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tờ thông báo “Phòng tiêm chủng tạm hết các loại vắc xin: uốn ván, dại, ngừa ung thư cổ tử cung, cúm, viêm gan D, thủy đậu, 6 in 1, sởi quai bị rubella, viêm não Nhật bản, viêm não mô cầu” được dán tại bàn khám, tư vấn của phòng tiêm chủng. Trong khi đó, vắc xin phòng dại, uốn ván... được người dân đến tiêm nhiều. Hiện tại, CDC Bình Thuận chỉ còn vắc xin Rota phòng ngừa tiêu chảy, vắc xin ngừa viêm gan A và vắc xin phế cầu.

Không ít người cho rằng: Sự thiếu vắc xin ở CDC Bình Thuận khiến cho nhiều người phải phải tiêm vắc xin ở phòng tiêm tư nhân với giá cao hơn so với việc tiêm tại CDC tỉnh. Điều này gây khó khăn cho người dân, đặc biệt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động phổ thông không may bị chó cắn, vật nhọn đâm vào chân tay trong quá trình sinh hoạt, lao động cần tiêm vắc xin ngừa dại, uốn ván.

Do khó đấu thầu

Được biết, năm 2021, Sở Y tế Bình Thuận giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm bên mời thầu thực hiện việc tổ chức đấu thầu tập trung vắc xin cho toàn tỉnh. Tuy nhiên, vào ngày 8/7/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn về việc xin miễn thực hiện nhiệm vụ bên mời thầu, nên chưa tổ chức đấu thầu tập trung vắc xin năm 2022 cho các đơn vị. Kết quả gói thầu vắc xin năm 2021 đến ngày 15/11/2022 hết hiệu lực. Để đảm bảo kịp thời có vắc xin phục vụ cho tiêm dịch vụ năm 2023, Sở Y tế Bình Thuận đề nghị các đơn vị y tế áp dụng quy định tại Điều 18, Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế khẩn trương thực hiện việc tự đấu thầu mua sắm vắc xin. Hiện nay, các đơn vị đang thực hiện đấu thầu và làm gói thầu phải mất 4 - 5 tháng mới mua được sản phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế giải thích, các loại vắc xin ở CDC Bình Thuận hiện nay đang tạm hết là thuộc diện vắc xin dịch vụ, không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin dịch vụ phát sinh cho người có điều kiện, có nhiều điểm tiêm vắc xin dịch vụ này tại Phan Thiết và các huyện khác trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu người dân. Với vắc xin dịch vụ, CDC tỉnh phải mua theo cơ chế đấu thầu hàng năm. Tuy nhiên, nguồn vắc xin phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà cung ứng và mang tính độc quyền cao, nên việc mua sắm thông qua đấu thầu gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung ứng cũng không “mặn mà” trong việc tham gia cung ứng đấu thầu cho cơ sở y tế công lập bởi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán qua nhiều khâu phức tạp theo quy trình. Trong khi đó, doanh nghiệp bán cho các phòng tiêm, cơ sở y tế tư nhân không thông qua đấu thầu, trả tiền ngay khi giao hàng, giá cả sẽ điều chỉnh ngay khi dịch bệnh bùng phát cục bộ. Ngoài khó khăn vừa đề cập, việc mua vắc xin phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật ở từng địa phương.

TRANG MINH