Cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu gương “Đã uống rượu, bia - không lái xe”

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:23, 10/03/2023

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa gửi văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Điều này xuất phát từ tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2022 vẫn diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 251 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 176 người, bị thương 133 người. Lực lượng chức năng đã phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 35.682 trường hợp vi phạm (trong đó vi phạm nồng độ cồn 1.999 trường hợp). Nhiều trường hợp lái xe khi đã say xỉn, gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

screenshot_1678400728.png

Cùng với yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Để phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ đảng viên, Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh phương châm không nể nang “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông tuyệt đối không giải quyết các trường hợp nhờ tác động, can thiệp, đồng thời thông báo đầy đủ hành vi của người vi phạm về tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị của họ, để xử lý theo quy định…

Lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã nhiều lần mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhưng chưa bao giờ mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay. Chỉ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, cảnh sát giao thông đã xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 598% so với tết 2022). Ở TP. Hồ Chí Minh trong chưa đầy 2 tháng qua có vài ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt. Còn ở Hà Nội, có ngày xử phạt 71 trường hợp vi phạm nồng độ cồn… Những cuộc “gọi điện thoại cho người thân” không còn tác dụng nữa. Một vị giám đốc sở ở Đắk Nông bị phạt tới 46 triệu đồng vì lái xe vi phạm nồng độ cồn và không có bằng lái. Một lái xe (ở TP. Thanh Hóa) phát khóc vì chỉ uống có nửa chai bia nhưng bị phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng…

Dư luận cả nước rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ và cho rằng: Chính quy định rất nghiêm khắc, với mức phạt cao và hình thức tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện đã tạo ra chuyển biến rõ nét. Trong dịp tết, số ca cấp cứu vì chấn thương sọ não TNGT đã giảm nhiều. Trong nhiều bữa tiệc tùng hay sự kiện, đã có nhiều người từ chối uống rượu bia chỉ vì một lý do đơn giản “còn phải lái xe”. Trước đây một ca kiểm soát, cảnh sát giao thông thường phát hiện 6 - 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thì nay chỉ còn 1 - 2 trường hợp. Thậm chí có tổ cảnh sát giao thông trong ca công tác dừng vài trăm xe mà không phát hiện vi phạm nào. Điều đó chứng tỏ ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đang chuyển biến tích cực.

  Nhưng để thay đổi hẳn thói quen của người dân, hình thành nên văn hóa sử dụng rượu, bia lành mạnh, nhất là giảm thiểu TNGT do uống rượu bia một cách bền vững, thì phải kiên trì, quyết tâm, quyết liệt thực hiện luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu “Đã uống rượu bia - không lái xe”.

KHÔI NGUYÊN