Đức Linh xây dựng nông thôn mới: “Chìa khóa” mang lại thành công

Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 10/03/2023

Nông thôn mới (NTM) ở Đức Linh đang chuyển mình theo hướng từ “lượng” sang “chất” bền vững, toàn diện và có chiều sâu. Kết quả đó có được khi “ý Đảng hợp lòng dân”, tạo nên nguồn sinh lực mạnh mẽ. Đó cũng chính là “chìa khóa” đưa Đức Linh trở thành huyện đất liền đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hành trình vượt khó

Năm 2011, Đức Linh bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Thời điểm lúc bấy giờ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu; nông nghiệp, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 12%, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,45 tiêu chí trong số 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.

duc-linh.jpg
Một góc thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh. Ảnh: N. Lân

Ấy vậy mà đến năm 2020, Đức Linh đã vươn mình, xứng danh là huyện đất liền đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, thời điểm này thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 60,2 triệu đồng người/năm, tăng trên 44 triệu đồng so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng; 10/10 xã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thành quả trên không phải tự nhiên mà đến, mà nó bắt nguồn từ sự nỗ lực vượt khó, cùng sự quyết tâm chung sức, chung lòng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện. Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng huyện nông thôn mới, lãnh đạo UBND huyện Đức Linh cho biết, bên cạnh sự vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thì vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng rất quan trọng. Trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết, các cấp ủy đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, bám sát mục tiêu, tiêu chí xây dựng NTM của từng địa phương, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và người dân. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, tất cả đều được công khai bàn bạc và thống nhất với người dân trước khi triển khai từng phần việc, công trình. Quá trình thực hiện luôn có sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo các công trình người dân đều được thông tin, bàn bạc, thống nhất và kiểm tra, giám sát nghiêm túc. Nhờ vậy, mà nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia rất mạnh các phong trào do địa phương phát động. Quan trọng hơn, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của huyện là không chỉ tập trung cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới, mà phải nâng cao đời sống của người dân.

duc-linh-1.jpg.jpg
Đường bê tông trong khu dân cư ở xã Mê Pu, Đức Linh. Ảnh: N. Lân

Từ quan điểm trên, huyện Đức Linh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định; đồng thời liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, đối với cây lúa đã thực hiện liên kết với sản lượng tiêu thụ khoảng 13.500 tấn mỗi năm, chiếm 10,2% tổng sản lượng; cây bắp liên kết 1.555 tấn mỗi năm, chiếm 12% sản lượng; cây điều liên kết hơn 1 ngàn tấn mỗi năm, chiếm 11,3% sản lượng; cây ăn quả liên kết 1.380 tấn, chiếm 12,8% sản lượng. Ngoài ra, có 15 trang trại chăn nuôi liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp thông qua hình thức gia công và liên kết theo chuỗi khép kín. Từ những mô hình liên kết này, nông dân không còn lo lắng đầu ra tiêu thụ, còn doanh nghiệp cũng an tâm về sản lượng và chất lượng nông sản đã ký kết, tạo được tín nhiệm từ đối tác khách hàng. Điển hình như mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa nếp giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Công Thành Đức Linh - xã Đức Chính với nông dân các xã Nam Chính, Đức Chính gắn với bao tiêu sản phẩm lúa và nếp; chuỗi liên kết trồng bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Đông Hà với các đơn vị tiêu thụ và mô hình chuỗi liên kết sản xuất giống rau giữa Công ty ViNo với nông dân các xã Đức Tín, Mê Pu, Đa Kai… Ngoài ra, công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa được tăng cường vào các khâu sản xuất và tổ chức liên kết phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững... từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng NTM bền vững

Với phương châm “Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, huyện Đức Linh đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025.

Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Đức Linh là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn Đức Linh trở thành nơi đáng sống. Cụ thể, huyện phấn đấu xây dựng 100% số xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao; trong đó, có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mỗi xã có ít nhất 1 khu dân cư kiểu mẫu. Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025…

Để đạt được mục tiêu này, theo Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy, huyện cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. “Đức Linh phải huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và làm đồng bộ, có như vậy mới phát huy sức mạnh nội lực trong nhân dân” – ông Húy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Húy, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được huyện quan tâm, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn góp vốn bằng đất, cho thuê đất hoặc cùng thực hiện số hóa thửa đất, dồn điền đổi thửa và cải tạo đồng ruộng để hình thành những diện tích ruộng lúa đủ lớn nhằm thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất và chuyển sang hình thức hợp tác, liên kết chia sẻ trong sản xuất tiến đến sản xuất liên kết theo chuỗi. Trong đó, Đức Linh khai thác và sử dụng linh hoạt hiệu quả 8.600 ha đất chuyên lúa để phát huy lợi thế điều kiện thủy lợi, bố trí vùng lúa chất lượng cao gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị doanh thu trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người dân.

Có thể nói, bức tranh NTM nâng cao đang dần rõ nét ở huyện Đức Linh. Trong bức tranh toàn cảnh ấy, điểm nhấn xuyên suốt quá trình kiến tạo và xây dựng đó chính là sự chung sức, chung lòng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện.

19 ngàn tỷ đồng là con số mà chính quyền và nhân dân huyện Đức Linh đã đầu tư xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 đến 2020. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 23%, còn lại huy động ngoài ngân sách, trong số này, có đến 11,5% do nhân dân tự nguyện đóng góp; không để nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

thanh nhàn