Thúc đẩy ngoại giao toàn diện, trong đó có ngoại giao kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 09:50, 10/03/2023
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các bộ, ban, ngành, đại sứ quán, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành trực thuộc. Tại đầu cầu Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì, cùng sự tham dự của các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thời gian qua, ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng. Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế…
Bộ Ngoại giao nêu 6 trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ; xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của lãnh đạo cấp cao; đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học - công nghệ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế; chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu và đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sâu rộng, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong năm 2023. Riêng tại Bình Thuận, đến nay hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp đến gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó hàng hóa đã tham gia hầu hết thị trường các nước là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…Trong năm 2023, Bình Thuận tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh thông qua các chương trình hoạt động ngoại giao, hội nhập quốc tế về kinh tế đến với du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các nguồn lực và lợi thế sẵn có, chú trọng đối ngoại đa phương để đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài, hướng vào các nhà đầu tư lớn, có năng lực. Kết hợp công tác xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại. Củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược nhằm giải quyết tốt đầu ra của các loại sản phẩm, nhất là sản phẩm có lợi thế của tỉnh…
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành liên quan cần tiếp tục tổng kết các bài học, kinh nghiệm qua mỗi giai đoạn để nhận diện, khắc phục và hóa giải, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy mặt tích cực, lợi thế để thúc đẩy ngoại giao toàn diện, trong đó có ngoại giao kinh tế.
Về các trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới, Thủ tướng lưu ý phải tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Tiếp tục thúc đẩy các ngành kinh tế đối ngoại, nhất là du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động, tận dụng xu hướng mở cửa trở lại của các nước đối tác và nhu cầu lao động tại một số thị trường. Tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tiếp tục vận động các đối tác ủng hộ Việt Nam chuyển đổi năng lượng…