LHQ kêu gọi Nam Sudan gỡ bỏ rào cản tiếp cận nhân đạo
Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 12/03/2023
Thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ hối thúc giới cầm quyền Nam Sudan gỡ bỏ những ràng buộc đối với việc tiếp cận nhân đạo và giải quyết tình trạng trộm cắp tài nguyên.
Đại sứ Anh tại LHQ James Kariuki cho biết, bạo lực đã gây ra mất mát đáng kể về con người, hàng nghìn thường dân phải chuyển chỗ ở dẫn đến các vụ bắt cóc phụ nữ và trẻ em quy mô lớn. Điều đó cần sự trợ giúp không bị cản trở, an toàn có thể đến được với những người dễ bị tổn thương.
Giáo hoàng Francis, người từng viếng thăm quốc gia 11 triệu dân này đã đề nghị lãnh đạo ở đây tập trung vào việc chấm dứt xung đột, ban hành thỏa thuận hòa bình và tránh xa “cơn thịnh nộ mù quáng của bạo lực”.
LHQ ước tính khoảng 7,8 triệu người, trong đó có 1,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, sẽ đối mặt với khủng hoảng thiếu lương thực nghiêm trọng trong 4 tháng tới.
Năm nay, 9,4 triệu người (76% dân số cả nước bao gồm 350.000 người tị nạn), sẽ cần hỗ trợ nhân đạo, tăng hơn 5% so với năm ngoái, Tareq Talahma, quyền Giám đốc Điều hành và Vận động chính sách tại Văn phòng Hợp tác của LHQ nói.
“Biến đổi khí hậu đã làm cho các nhu cầu nhân đạo tăng thêm. Năm ngoái, nước này đã trải qua năm thứ tư liên tiếp lũ lụt dữ dội. Hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng khi nước cuốn trôi nhà cửa và gia súc, nhấn chìm nhiều diện tích đất nông nghiệp”, ông Kariuki nêu thêm.
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho biết, chính phủ chuyển tiếp của Nam Sudan tiếp tục "thất bại trong việc phân bổ nguồn thu từ dầu mỏ giải quyết các nhu cầu nhân đạo của người dân". Năm qua, nước này báo cáo doanh thu từ dầu mỏ 1,6 tỷ USD. Ông Wood kêu gọi lãnh đạo Nam Sudan dành thêm khoản doanh thu này cho việc tiếp cận an toàn và chuyển giao hàng viện trợ nhân đạo.
Nam Sudan có trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Phi, ở vùng cận Sahara. Một báo cáo của LHQ công bố năm 2021, các nhà lãnh đạo Nam Sudan đã tìm cách chuyển hướng “số tiền đáng kinh ngạc và của cải khác” ra khỏi quốc khố.
Nam Sudan giành độc lập từ Sudan vào năm 2011 sau hơn hai thập kỷ nội chiến. Tuy nhiên đến tháng 12/2013, quốc gia non trẻ này lại một lần nữa rơi vào nội chiến sau khi Tổng thống Salva Kiir sa thải Phó Tổng thống Riek Machar, người đã rời bỏ đất nước giữa lúc kinh tế hỗn loạn và hoạt động sản xuất dầu mỏ bị đình trệ khiến Nam Sudan bị mất nguồn thu ngoại tệ chính.
Năm 2018, Tổng thống Salva Kiir và đối thủ của ông là cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã ký thỏa thuận hòa bình nhưng vẫn bế tắc trong việc chấm dứt các cuộc xung đột khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Salva Kiir đã thành lập một chính phủ chuyển tiếp vào năm 2020 và cam kết hợp nhất các lực lượng vũ trang thành một đội quân duy nhất để bảo vệ đất nước - tất cả vẫn trong mối thù sâu với đối thủ không đội trời chung của mình Phó Tổng thống Riek Machar. Những nỗ lực của ông đã được chứng minh là vô ích và xung đột nội bộ tiếp tục.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ mới đây, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Nam Sudan kiêm Trưởng phái bộ Lực lượng giữ gìn hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS) Nicholas Haysom lưu ý rằng, năm 2023 là năm mang tính quyết định và là phép thử đối với tất cả các bên tham gia thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan. Ông Haysom cho biết, phái đoàn của LHQ tại Nam Sudan - một trong những nhiệm vụ tốn kém nhất của LHQ trên thế giới, với ngân sách hàng năm là 1,2 tỷ USD, hỗ trợ cho người dân nước này trong cuộc bầu cử sắp tới, với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, các đảng phái chính trị và giới truyền thông.
Ông hoan nghênh việc chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan khẳng định cam kết thực hiện thỏa thuận hòa bình theo đúng thời gian biểu của lộ trình đã được ký kết giữa các phe phái.
Ông cũng vạch ra bốn rào cản chính mà các bên phải giải quyết để Nam Sudan thành công giai đoạn cuối cùng của giai đoạn chuyển tiếp: soạn thảo hiến pháp mới; chuẩn bị cho cuộc bầu cử hòa bình, toàn diện và đáng tin cậy vào năm 2024; mở rộng không gian dân sự, chính trị và việc củng cố triển khai lực lượng thống nhất cần thiết.