Gieo chữ giữa rừng cao su

Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 13/03/2023

Băng suối, lội rừng, thậm chí là cả 4 giáo viên đi lạc trong rừng đến tối mịt. Đi dạy xe máy thủng lốp phải dắt bộ chục km là chuyện không lạ với giáo viên Trường tiểu học Gia Huynh (Tánh Linh).

Gian nan đường đến điểm lẻ

Ngôi trường ấy lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng cao su. Từ trung tâm thị trấn chúng tôi phải đi 25 km mới đến được điểm chính của trường, còn muốn vào điểm lẻ phải đi tổng cộng 40 km. Dù đã được cảnh báo trước là đường đến điểm lẻ rất khó đi nhưng trong đầu tôi chỉ suy nghĩ giáo viên đến đó dạy được thì mình sẽ đến được. Tuy nhiên, suốt chặng đường đi tôi không thể hình dung được đường lại quá xấu như thế. Đường đất đã đành nhưng đá lởm chởm khiến chiếc xe máy cứ bị xìa bánh liên tục, đường nằm giữa rừng cao su nên vắng hoe, vắng hắt cách chừng 2 - 3 km mới thấy căn nhà cấp 4 dân làm coi rẫy cao su. Vậy mà có giáo viên từ xã La Ngâu, Huy Khiêm, Đức Thuận đến đứng lớp đồng nghĩa với việc các giáo viên này phải đi từ 50 – 80 km mới đến được trường. Thầy Lê Văn Xuân, một đảng viên, giáo viên lâu năm, nhà ở xã Gia An cách điểm lẻ của Trường tiểu học Gia Huynh hơn 50 km nhưng mỗi ngày thầy vẫn miệt mài sáng 4 giờ 30 xuất phát để kịp đến lớp lúc 7 giờ, buổi chiều 17 giờ thầy lại lộc cộc theo đường rừng về nhà với gia đình. Thầy kể: “Khổ thật nhưng vì yêu nghề nên mình cố bám trụ, cũng may là ở điểm lẻ các thầy cô có thêm khoản hỗ trợ vùng khó khăn nên đỡ hơn những giáo viên dạy ở điểm chính gần hơn điểm lẻ khoảng 15 km nhưng lại không được hưởng chế độ vùng khó khăn nên thiệt thòi rất nhiều…

20230301_162423.jpg
Trường tiểu học Gia Huynh

Cùng đi với tôi có cô Phạm Thị Hoa Đào. Cô Đào ra trường năm 1996, được phân công về Trường cấp 1 và cấp 2 Gia Huynh dạy, năm 2002 trường tách ra cấp 1 và cấp 2 riêng biệt. Cô Đào được giáo viên trường gọi là “nhân chứng sống” vì cô đã bám trụ ở trường hơn 20 năm. Đôi mắt xa xăm, cô kể: Thời ấy khổ đủ thứ, nhà tôi ở Đức Thuận, đi dạy bằng xe đạp mà phải băng rừng, lội suối chứ không phải có đường sẵn và vườn cao su như bây giờ. Đi dạy phải “hú” nhau 3 - 4 người mới dám đi bởi thời điểm ấy, động vật hoang dã ở trong rừng rất nhiều, gặp mấy con vật hiền như nai, khỉ lâu lâu vọt thẳng ra đâm vào giáo viên mình còn đỡ, nhưng gặp heo rừng đang chăn con thì chỉ còn cách 4 người quay xe đạp làm hình tròn cố thủ cho heo đi xa mới dám tiếp tục hành trình. Có lần 1 thầy với 3 cô đi dạy trời chập choạng tối nên đi lạc trong rừng, cứ đi loanh quanh một hồi lại quay về chỗ cũ, trong rừng không có sóng điện thoại nên mãi gần 12 giờ đêm 4 thầy cô mới ra được khỏi rừng… Nhắc lại chuyện này tôi chợt nhớ nơi đây khoảng năm 1998 – 1999 đàn voi rừng hung dữ về phá vườn dân cũng như voi quật chết người nên chính quyền phải tốn nhân, vật lực bắt đàn voi đưa đi nơi khác…

20230301_163530.jpg
Cô Lê Thị Thi phải đi về tổng cộng 80 km đến trường dạy nhưng không có chế độ vùng khó khăn.

Tiếng vọng nơi xa...

Đó là thời quá khứ nhưng hiện tại thì ở trường vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là chặng đường đến trường khiến nhiều giáo viên mới cầm quyết định về dạy buổi sáng nhưng chưa kịp đứng lớp đã “bỏ của chạy lấy người”, bởi đoạn đường đến trường xa xôi, heo hút. Chiều muộn, tôi ghé điểm chính Trường tiểu học Gia Huynh, bất chợt thấy cô giáo Lê Thị Thi đang ẵm con nhỏ nấu buổi cơm chiều. Lân la trò chuyện, cô tâm sự với giọng buồn buồn: Em là người dân tộc Chơ Ro, lấy chồng là người K’ho ở xã La Ngâu, em tốt nghiệp năm 2018, nhưng gia đình có việc nên chưa đi dạy, do nhà chỉ có 2 sào đất trồng bắp nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2022, em xin đi dạy thì được phân về đây, từ nhà em đến điểm dạy là 80 km, ban đầu em tranh thủ sáng đi chiều về để lo cho gia đình nhưng khoảng đường đi quá xa, cả đi lẫn về tổng cộng 160 km nên được vài tuần thì kiệt sức, vậy là em xin nhà trường cho 2 mẹ con ở lại để tiện bề giảng dạy cũng như chăm bé mới hơn 2 tuổi. Lương của cô hiện nay bao nhiêu, có được hưởng thêm chế độ vùng khó khăn, rồi tiền gửi con đi nhà trẻ nên có đủ trang trải? Tôi hỏi. Dạ lương em tầm 3,8 triệu đồng, không có chế độ vùng khó khăn. Nói đủ trang trải thì rất khó khăn, nhưng nhờ nhà trường kêu gọi được các tổ chức đoàn thể như Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công ty Phân bón Điền Xanh và một số mạnh thường quân như nhóm thiện nguyện “Vi Oanh 21 ngày yêu thương”, Quỹ thiện nguyện Hạnh Phúc… tài trợ cho mắm muối, gạo và một số thực phẩm khác nên cũng sống tàm tạm qua ngày được… Nghe tôi và cô Thi nói chuyện với nhau cô Trần Thị Hồng vốn ngụ ở Huy Khiêm cách trường 60 km về đây dạy cũng góp chuyện: Em ra trường năm 2019, đi dạy cho trường tư ở thành phố Hồ Chí Minh lương hơn 15 triệu đồng/tháng, nhưng ba mẹ bảo về dạy trong huyện cho gần nhà. Khi cầm quyết định về nơi cách xa nhà gần 60 km, mọi người hay nói đùa là “khỉ ho cò gáy” ban đầu em rất lo. Nhưng sau một thời gian công tác thấy sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc của lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp nên em tự nhủ lấy sức trẻ vượt khó khăn…

Trường tiểu học Gia Huynh hiện có 15 lớp học/250 học sinh, có 27 CBCNV, trong đó có 20 giáo viên đứng lớp nhưng đã hết 12 giáo viên hợp đồng, mà giáo viên hợp đồng thì thích nghỉ việc lúc nào… cũng được nên xảy ra việc “dở khóc dở cười” vì thiếu giáo viên đứng lớp giữa học kỳ… Trước khi đến trường, tôi có trao đổi với anh Lê Thanh Hưng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tánh Linh, anh cho biết: Trường tiểu học Gia Huynh là một trong những trường vùng sâu, vùng xa của huyện, phần lớn giáo viên đến dạy đều ở cách trường khá xa. Trường rất được phụ huynh tín nhiệm. Tuy nhiên do trường ở xa nhưng điểm chính chưa có chế độ vùng khó khăn nên hiện trường thiếu giáo viên nhưng ít giáo viên chịu về trường dạy… Tôi đem chuyện này hỏi thầy Phan Văn Tùng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Huynh, thầy Tùng nói giọng chùng xuống, chuyện đó là có thật, trường hiện thiếu 4 giáo viên, không chỉ giáo viên nơi khác ngại đến đây công tác mà nhiều giáo viên hợp đồng trong trường đang dạy cũng… nghỉ ngang. Ví dụ như cô N.T.V.T ở thị trấn Lạc Tánh xuống trường dạy, mỗi ngày cô phải đi về trên hơn 30 km nhưng được 4 năm thì không chịu nổi nên xin nghỉ. Hay như cô N.T.M.H vào dạy được hơn 1 tháng thì xin nghỉ vì đi lại khó khăn. Mới đây nhất là sau đợt Tết Nguyên đán Quý Mão, cô L.T.L xin nghỉ cũng với lý do tương tự… Việc giáo viên nghỉ ngang khiến nhà trường rất khó khăn trong bố trí giảng dạy…

Đường đến trường vốn đã xa, lại không có chế độ vùng khó khăn nên những người bám trụ được với trường tự an ủi vỗ về với nhau là hãy lấy sức trẻ và sự nhiệt huyết gieo con chữ cho con em vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên động lực ấy rất dễ bị bào mòn theo năm tháng nếu không có sự trợ giúp của cấp trên tạo điều kiện cho giáo viên nơi đây có được chế độ vùng khó khăn để giáo viên tiếp tục gieo con chữ giữa rừng cao su Gia Huynh…      

Phóng sự: Nhị Thiên