Để các sản phẩm của tỉnh vươn xa
Kinh tế - Ngày đăng : 05:33, 14/03/2023
Bởi lẽ phát triển xuất khẩu hàng hóa theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý, gắn liền với chủ trương về hội nhập quốc tế về kinh tế thời gian qua đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt.
Điều mà ai cũng nhận thấy đó là, từ đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam, hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như thủy sản, các mặt hàng nông sản, hàng may mặc bị hạn chế. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy lợi thế, giảm thiểu các tác động bất lợi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đối với các sản phẩm chủ lực. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khai thác lợi ích, tính năng cao mà công nghệ thông tin mang lại, giúp doanh nghiệp kết nối được với các sàn giao dịch thương mại điện tử mạnh trên thế giới. Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp nước ngoài… Chính vì thế kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2022 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của của tỉnh đạt 775,9 triệu USD, tăng hơn 23% so năm 2021 và tăng 67,35% so thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2019. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023 là phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch đạt 819 triệu USD. Tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và tại các quốc gia ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, nhất là đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: thủy sản, nông sản và hàng may mặc…
Để đạt được mục tiêu đó UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ về thông tin thị trường; hỗ trợ xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; hỗ trợ xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó tổ chức xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của tỉnh để cung cấp cho khách hàng nhập khẩu, nhất là các thị trường trọng điểm như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài... Đến nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh đã mở rộng đến khoảng 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 60%, phần còn lại là thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.
Được biết, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 930 triệu USD, đến năm 2030 đạt giá trị 1.240 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,81%/ năm. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 12,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 15,5% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.