Đổi mới dạy học môn ngữ văn: Phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:43, 15/03/2023
Phát huy khả năng sáng tạo học sinh
Theo Công văn số 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông tập trung vào 5 điểm cốt lõi, gồm: phương pháp dạy - học linh hoạt, đổi mới; tăng cường cho học sinh thực hành, rèn luyện các kỹ năng đọc, nói, viết, nghe; gắn đời sống và văn học; dùng ngữ liệu mới, tình huống mới; xây dựng đề kiểm tra mở và đánh giá mở. Để khắc phục tình trạng học nặng về lý thuyết giảng, đọc chép và thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các nội dung cơ bản về đổi mới cách dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn ngữ văn cũng như tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động giảng dạy môn học này.
Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh đã triển khai, thực hiện công văn trên, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo giáo viên môn ngữ văn xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe. Đồng thời, hướng dẫn học sinh thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động ở trong và ngoài lớp học. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ đối với học sinh đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Sau hơn 1 học kỳ triển khai thực hiện đổi mới dạy học môn ngữ văn, cô Phạm Thị Xuân Rớt - Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Chương trình môn ngữ văn lớp 10 là chương trình mở, nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, nhiều tác phẩm văn học mới đã đưa vào sách giáo khoa. Nội dung chương trình được tổ chức theo trục kỹ năng: Đọc - nói - viết - nghe. Mỗi tiết học bám sát hoạt động giao tiếp với các kỹ năng ấy, không còn tình trạng một học sinh viết rất hay nhưng nói dở, nói rất hay nhưng viết dở, đọc bài mà không hiểu hoặc nghe mãi vẫn chưa thông. Sau mỗi bài học, những điều học sinh nhận lại được sẽ là tổng hợp và đồng đều cả 4 kỹ năng: Đọc - nói - viết - nghe. Mặt khác, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo. Việc “học tủ”, “học vẹt”, chép văn mẫu không thể tồn tại được nữa”. Theo cô Rớt, để đáp ứng chương trình đổi mới đòi hỏi giáo viên phải đổi mới cách tiếp cận, chú trọng hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh, tích hợp kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học thông qua chuỗi hoạt động. Còn học sinh phải phát huy tinh thần tự học, khơi gợi khả năng sáng tạo của cả thầy và trò, giúp học sinh phát triển tư duy, cảm xúc, tăng vốn sống và năng lực ngôn ngữ. Em Ngọc Trinh - học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ: “Để học tốt môn ngữ văn, em thường chuẩn bị bài trước, nắm nội dung để khi lên lớp tích cực trao đổi, phản biện với thầy, cô giáo, các bạn trên lớp. Đặc biệt, phải biết liên hệ kiến thức văn học vào đời sống cũng như lắng nghe cảm xúc của bản thân đối với mỗi tác phẩm, nhân vật”.
Những hạn chế
Theo các giáo viên dạy môn ngữ văn, việc dạy học theo dự án, dạy học qua ứng dụng công nghệ thông tin được phát huy, tổ chức nhiều hoạt động thực hành trên lớp để học sinh tự nghiên cứu, trao đổi và khám phá kiến thức. Giờ học không nặng về tính lý thuyết hàn lâm. Tuy nhiên, hiện nay việc trang bị các thiết bị dạy học cho chương trình đổi mới như tivi, màn hình chiếu... ở nhiều trường còn thiếu đã ảnh hưởng chất lượng đổi mới dạy học môn học này. Bên cạnh đó, vì là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới nên cũng còn một số học sinh chưa quen với cách tiếp cận văn bản theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, rèn luyện đồng bộ được 4 kỹ năng: Đọc - viết - nói - nghe. Một vài giáo viên vẫn còn mang tâm lý nói ít, ghi bảng ít, học sinh sẽ không nhớ, không học được kiến thức trọng tâm...
Để thực hiện hiệu quả môn ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đề nghị các tổ nhóm chuyên môn ngữ văn cần quan tâm tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Đồng thời, tăng cường dự giờ thăm lớp, dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Cùng với đó, thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực theo định hướng đổi mới.