Iran-Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ: Tạo động lực mới cho hợp tác khu vực

Quốc tế - Ngày đăng : 09:46, 15/03/2023

Dư luận quốc tế tiếp tục hoan nghênh việc hai nước Iran - Saudi Arabia, sau 7 năm thù nghịch ở khu vực Trung Đông, đã bình thường hóa và nối lại quan hệ song phương. Sự kiện lịch sử này không chỉ giúp thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, mà còn tác động đến cục diện chính trị ở Trung Đông.

Iran và Saudi Arabia hôm 10/3 đã đạt một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Hai quốc gia này đã cho nhau 2 tháng để chứng minh họ nghiêm túc về thỏa thuận bình thường hóa này.

quan-chuc-cap-cao-iran-saudi-trung-quoc-o-bac-kinh-10-3-2023-china-daily.jpg
Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani (phải), quan chức đối ngoại cấp cao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh hôm 10/3/2023. Ảnh: China Daily

Trước khi cử đại sứ, Iran và Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ thảo luận cách thức chấm dứt gần 7 năm thù địch - một nhiệm vụ lớn lao và khó khăn.

Tiến trình hòa giải diễn ra khi Iran bị nhiều nước trên thế giới cô lập, còn Saudi Arabia thay đổi đường lối đối ngoại ủng hộ ngoại giao thay vì đối đầu.

Tập trung vào phát triển kinh tế, Saudi Arabia và nước láng giềng UAE trong các năm gần đây đã dịch chuyển theo hướng cải thiện mối quan hệ với hầu hết các đối thủ khu vực của mình.

Riyadh đã từ bỏ chính sách đối ngoại diều hâu khi Thái tử Mohammed bin Salman nhập cuộc sau khi cha ông - Quốc vương Salman lên ngôi vào năm 2015.

Từ đó, Saudi Arabia đã hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ, giao lưu lại với Syria và ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Yemen.

Tuy nhiên, Saudi để lại vấn đề nan giải nhất trong hồ sơ, vấn đề Iran, đến phút cuối mới xử lý. Vào tuần trước, Saudi Arabia làm cả thế giới ngạc nhiên khi công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Iran sau nhiều năm đàm phán mà không mang lại kết quả nào.

Cuộc chiến tranh lạnh giữa Iran và Saudi Arabia có tác động lên hầu hết mọi xung đột trong khu vực. Do vậy giải tỏa được vấn đề này sẽ mang lại phản lực mạnh không kém. Dưới đây là những tác động từ việc bình thường hóa quan hệ Iran - Saudi:

Yemen

Đây là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất từ những cãi vã giữa Saudi và Iran. Cả Saudi và Iran ủng hộ các phái đối lập nhau trong cuộc nội chiến Yemen năm 2014. Năm 2015, một liên minh do Saudi dẫn đầu can thiệp vào Yemen để tấn công lại lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và đã kiểm soát nhiều vùng ở đây.

Firas Maksad - nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Trung Đông (có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ) nhận định: Cuộc chiến Yemen có khả năng là ưu tiên trong chương trình nghị sự của cả hai nước.

Tình hình Yemen tương đối yên ả sau một thỏa thuận đình chiến do Liên Hợp Quốc trung gian hòa giải vào tháng 4/2022. Thỏa thuận này hết hạn vào tháng 10/2022 nhưng có vẻ như vẫn có hiệu lực trong bối cảnh Saudi Arabia tham gia đàm phán trực tiếp với lực lượng Houthi.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) đưa tin, trong một thông cáo hôm 11/3, phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết việc hòa giải này “sẽ thúc đẩy ngừng bắn, giúp khởi động đối thoại quốc gia, và hình thành một chính phủ quốc gia bao trùm ở Yemen”.

Hussein Ibish - học giả tại Viện các quốc gia Arab ở Washington (Mỹ) nói với CNN rằng Iran có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Houthi để thúc đẩy một giải pháp chấm dứt chiến tranh.

Lebanon

Quốc gia này đã hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ. Đây cũng từng là đồng minh thân cận của Saudi Arabia. Tuy nhiên sau một tranh cãi kéo dài nhiều năm liên quan ảnh hưởng của tổ chức du kích Hezbollah (do Iran hậu thuẫn) ở nước này, Saudi Arabia đã xa rời Lebanon, - đồng minh thân cận một thời.

Quan hệ giữa Lebanon và Saudi Arabia rơi xuống mức thấp nhất vào năm 2021, khi Saudi và một vài nước vùng Vịnh rút đại sứ khỏi thủ đô Beirut sau khi bộ trưởng thông tin khi ấy của Lebanon chỉ trích cuộc chiến do Saudi dẫn đầu ở Yemen.

Sau đó, các đại sứ của đôi bên đã trở lại nhiệm sở nhưng quan hệ giữa Lebanon và Saudi Arabia vẫn lạnh lẽo, giá băng.

Cả Hezbollah và Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đều ca ngợi thỏa thuận giữa Saudi và Iran. Ông Mikati gọi đó là “cơ hội để thở trong khu vực và hướng tới tương lai”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều đó không có nghĩa là quan hệ giữa Lebanon với Saudi sẽ tự động cải thiện.

Tờ Al Arabiya dẫn lời Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan nói vào hôm 10/3 rằng Lebanon cần sự hòa giải riêng của họ cho tình hình ở Lebanon, chứ không phải là sự ấm lên trong quan hệ giữa Saudi và Iran.

Thông tin trên cho thấy, Saudi Arabia có thể đang tách các vấn đề của họ với Lebanon ra khỏi xung đột của họ với Iran.

Firas Maksad nói: “Lebanon không nằm ở vị trí cao trong ưu tiên của giới hoạch định chính sách ở Saudi”.

Israel

Hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran cũng gây ra tranh luận chính trị trong nội bộ Israel.

Vài tiếng đồng hồ sau khi thỏa thuận Saudi-Iran được công bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở Italy, ca ngợi một trong mục tiêu chính của mình là bình thường hóa quan hệ với Saudi.

Đối với Israel, hòa bình với Saudi được xem là đỉnh cao của các thỏa thuận bình thường hóa. Mặc dù những mối quan hệ nồng ấm ngầm giữa hai bên đã diễn ra trong nhiều năm, nền hòa bình đầy đủ sẽ là một thành tựu lớn và là nhân tố quan trọng để Israel có thể hình thành liên minh khu vực để ứng phó với Iran.

Và vào ngày 10/3 vừa qua, Israel được chứng kiến thực tế kẻ thù truyền kiếp của mình và “người bạn sắp tới” của họ đang hòa giải với nhau. Trong chính giới Israel đã xảy ra các cuộc quy trách nhiệm cho nhau về thực tế mới này.

Tờ báo Israel, Haaretz, dẫn một nguồn tin chính trị cao cấp ở Rome đổ lỗi cho chính phủ Israel tiền nhiệm (thời Naftali Bennett và Yair Lapid) về vai trò hòa giải của họ.

Đáp lại, các cựu Thủ tướng Israel Lapid và Bennett nói rằng chính ông Netanyahu đã xao lãng tình hình ở khu vực Trung Đông mở rộng

Ông Lapid đăng tải lên mạng xã hội Twitter rằng việc chỉ trích ông về sự xấu đi trong quan hệ với Saudi là “ảo vọng”.

Iraq

Quốc gia Tây Á này từng tổ chức vài vòng đàm phán với Iran và Saudi. Họ nhanh chóng hoan nghênh thỏa thuận hòa giải giữa Saudi và Iran. Giới phân tích cho rằng sự hòa giải này phục vụ lợi ích của Iraq vì quốc gia này đã trở thành đấu trường cho cuộc đối đầu giữa Iran và Saudi kể từ khi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ vào năm 2003.

Ihsan Al-Shammari - giáo sư chính trị học tại Đại học Baghdad và người đứng đầu Trung tâm Tư duy chính trị Iraq, cho biết: “Iran đã sử dụng Iraq để gia tăng áp lực lên Saudi Arabia trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế và đặc biệt là an ninh”.

Theo học giả này, Iraq bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ với Saudi và các khoản đầu tư lớn tiềm tàng vào đất nước này do ảnh hưởng lớn của Iran ở đây.

Trong nền chính trị Iraq, các đảng phái gần gũi với Iran có ảnh hưởng lớn và thi thoảng đã gây ra các bế tắc chính trị dẫn tới bạo lực.

Al-Shammari nói rằng Saudi muốn Iran kiềm chế một số đồng minh của mình ở Iraq, đặc biệt là các nhóm vũ trang mà Saudi coi là mối đe dọa an ninh.

H Lan (Tổng hợp)