Kiểm điểm tiến độ thi công 2 dự án cao tốc: Phải tập trung mọi nguồn lực đưa các dự án về đích đúng hạn
Kinh tế - Ngày đăng : 17:58, 15/03/2023
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng; hiện chỉ còn vướng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận gồm: 1 hộ dân (nhà Yến) và 2 đường dây hạ thế ảnh hưởng đến thi công cầu vượt thuộc dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, 9 vị trí điện cao thế 500kv. Tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây lũy kế khối lượng đến nay đạt 85,99% cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết khối lượng đạt 75,61% giá trị hợp đồng, chậm 8,17%.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đều chậm so với yêu cầu, đặc biệt là việc thi công các hạng mục đường dẫn lên các cầu vượt, đường gom. Ngoài các nguyên nhân khách quan thì chủ yếu là do các nhà thầu yếu kém về mặt tài chính, đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay nhà thầu không còn huy động nguồn tài chính cho công trường như trước, dẫn đến không còn thi công 3 ca, 4 kíp.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2.684 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án. Hiện nay còn một số công việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện tiếp tục khẩn trương thực hiện hoàn thành cải tạo, di dời các vị trí đường điện cao thế còn lại đảm bảo đồng bộ khi đường cao tốc đưa vào khai thác.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án quan tâm sớm triển khai thực hiện sửa chữa hư hỏng các tuyến đường địa phương và công trình thủy lợi do thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đây là vấn đề cử tri bức xúc và có nhiều kiến nghị, để đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Ngày 28/10/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn yêu cầu các Ban QLDA chủ trì cùng với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu và các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đường gom, các công trình trên phạm vi toàn dự án, đề xuất giải pháp xử lý đồng bộ, tránh phát sinh trong quá trình thi công tiếp theo cũng như khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên hiện nay, Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây chưa được Ban QLDA Thăng Long triển khai thực hiện, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long sớm phối hợp với UBND các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân tổ chức rà soát các nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận để bổ sung vào dự án.
Liên quan cấp lại giấy phép khai thác 6 mỏ vật liệu phục vụ đất đắp cho Dự án đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, làm việc với các đơn vị liên quan và hướng dẫn nộp hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản; đề nghị các nhà thầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trước khi được UBND tỉnh cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, song song với việc thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác nêu trên, đối với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến có phê duyệt trữ lượng khoáng sản còn lại, hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Bình Thuận rất mong chờ dự án đi vào vận hành khai thác. Dự án sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Nhất là trong năm 2023, tỉnh Bình thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia nên rất mong dự án sẽ được khánh thành vào ngày 30/4/2023 theo như Thủ tướng đã chỉ đạo.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời các hạng mục còn vướng như: đường điện, nhà dân, đường dân sinh.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá 2 dự án này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo sự kết nối vùng mà 2 tỉnh hưởng lợi trực tiếp là Đồng Nai và Bình Thuận.
Đến nay, 2 dự án đã có những tiến triển khả quan hơn rất nhiều. Tuy nhiên không được chủ quan, nhất là dự án Phan Thiết Vĩnh Hảo thi công đang chậm so với tiến độ. Nếu không cố gắng thì khả năng không hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra là rất hiện hữu. Nguyên nhân là do một số nhà thầu chưa bố trí đủ nhân lực, máy móc, thiết bị, tài chính để thi công “3 ca, 4 kíp”. Bên cạnh đó việc thiếu nguyên vật liệu đất đắp chủ yếu liên quan đến thi công đường gom dân sinh và cầu dân sinh ở cả 2 dự án cũng khiến tiến độ thi công bị chậm.
Thời gian để hoàn thành 2 dự án còn rất ít nên trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7 phải xây dựng lại phương án thi công. Chia khối lượng thi công theo từng ngày để tính toán phương án thi công cho phù hợp. Kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc do nhà thầu gặp phải.
Giải quyết kịp thời các vấn đề về tài chính, tuyệt đối không để phát sinh nguyên nhân chậm tiến độ do vướng mắc về tài chính. Chịu trách nhiệm toàn diện về đảm bảo chất lượng dự án. Có chế tài xử lý những nhà thầu chậm tiến độ, làm tốt công tác chuẩn bị mời Hồi đồng thẩm định Nhà nước về để nghiệm thu đưa dự án vào sử dụng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các nhà thầu phải bố trí đủ nhân lực, máy móc, tài chính tổ chức thi công theo “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định. Kịp thời phản ánh cho Ban quản lý dự án khi có vấn đề phát sinh.
Bộ Trưởng cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận phối hợp giải quyết những kiến nghị mà Ban quản lý dự án đã nêu liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời các hạ tầng kỹ thuật nằm trong khu vực triển khai dự án. Với 1 hộ dân còn lại cần có biện pháp quyết liệt hơn, không thể để vì 1 hộ dân mà ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án rất quan trọng này.
Liên quan đến nguyên vật liệu đất đắp, Bộ Trưởng đề nghị tỉnh có văn bản nêu lên khó khăn khi thực hiện điểm 25 phần I, Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 và đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại nội dung để kịp thời giải quyết vấn đề đất đắp cho 2 dự án. Đề nghị Bình Thuận rà soát hết các vị trí hư hỏng ở các tuyến đường địa phương và công trình thủy lợi do thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn, sau đó phối hợp với Ban quản lý dự án để thi công hoàn trả.