Chuyển đổi số đáp ứng công tác quản lý thị trường trong giai đoạn mới

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:28, 17/03/2023

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thời gian qua lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và tại địa phương nói riêng cũng có bước phát triển phù hợp xu thế mới. Thực tế cho thấy, hoạt động kinh doanh mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến và đang mang lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp lẫn người dân.

Tuy nhiên theo Cục Quản lý thị trường Bình Thuận, bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động này cũng phát sinh rủi ro và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế cũng như đời sống của nhân dân. Bởi có không ít trường hợp tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc cung cấp thông tin sai lệch nhằm lừa dối người tiêu dùng.

shopping-e-commerce-concept-isometric-poster_1284-15256.jpg
Hoạt động kinh doanh mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến (Ảnh minh họa). 

Thông qua công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng nhận thấy công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên không gian mạng là “cuộc chiến” không dễ dàng. Đồng thời cũng đối diện nhiều khó khăn, tồn tại trong quản lý hoạt động thương mại điện tử, như: Địa điểm hoạt động kinh doanh chung với nơi ở, sử dụng một địa chỉ để giao dịch, livestream bán hàng nhưng tập kết và tàng trữ hàng hóa ở nhiều địa điểm khác nhau…

Để thực thi nhiệm vụ đem lại hiệu quả, lực lượng quản lý thị trường tại địa phương đã tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường. Nhất là tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó đã gởi văn bản đến các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sen Đỏ, Hotdeal… đề nghị hỗ trợ rà soát và cung cấp danh sách thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có địa chỉ kinh doanh, lấy hàng thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Qua đó xây dựng danh sách các cơ sở kinh doanh hoạt động trên sàn thương mại điện tử hướng tới quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn mới, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cũng quan tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hàng ngày. Tạo dấu ấn đậm nét và được ví như “cuộc cách mạng” trong chuyển đổi số là đã cùng toàn lực lượng quản lý thị trường chính thức triển khai Hệ thống phần mềm xử lý vi phạm hành chính (INS) từ hơn một năm qua. Điều này không những đem lại nhiều tiện ích cho các đoàn kiểm tra và đội quản lý thị trường khi tiến hành thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường mà còn giúp tiết kiệm ngân sách. Thay vì mang theo cặp tài liệu với rất nhiều sổ sách, văn bản và ấn chỉ giấy in sẵn, thì giờ đây chỉ cần có chiếc laptop cùng máy in xách tay nhỏ gọn. Nhờ cập nhật tất cả dữ liệu lên INS theo từng quy trình với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau nên việc xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường luôn đảm bảo thực hiện nhanh gọn, minh bạch, chính xác.

Được biết với phần mềm INS, đến nay Cục Quản lý thị trường cũng đưa vào ứng dụng cập nhật hơn 10.840 tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh trên địa bàn mình quản lý, đồng thời cập nhật toàn bộ hồ sơ kiểm tra và xử lý vụ việc trên hệ thống INS…

Trong 2 năm gần đây (2021 - 2022), Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử và phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra còn tiến hành tịch thu nhiều sản phẩm là hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đ.QUỐC