Tìm kiếm doanh nghiệp lớn để mở rộng liên kết sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 05:44, 17/03/2023

Thời gian tới, Đức Linh tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp lớn cùng hỗ trợ, hợp tác, kết nối với các HTX có ngành nghề phù hợp liên kết sản xuất.

Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá, Đức Linh đã tập trung chỉ đạo phát triển việc ứng dụng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại... ngành nông nghiệp huyện Đức Linh đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng giải pháp để thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện nhanh đời sống nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

slinh-2-.jpg
Sản xuất rau thủy canh theo mô hình hợp tác xã ở xã Vũ Hòa, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Mô hình liên kết sản xuất trên cây lúa giữa Hợp tác xã nông nghiệp Công Thành Đức Linh tại xã Nam Chính với nông dân sản xuất lúa trên địa bàn huyện là một điển hình. Tính đến nay, diện tích liên kết sản xuất trên cây lúa từng vụ của Hợp tác xã nông nghiệp Công Thành đã lên đến 3.000 ha, với sản lượng hơn 15.000 tấn/vụ. Hình thức liên kết của Hợp tác xã là đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo quy trình sản xuất của Hợp tác xã và ký kết hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá ổn định cao hơn thị trường. Mô hình liên kết sản xuất này đã giúp cho nông dân an tâm đầu tư vào sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất đồng bộ theo hướng an toàn chất lượng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, đồng thời không bị thương lái ép giá.

Bên cạnh đó, UBND huyện Đức Linh đã có nhiều ưu đãi thu hút doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Một trong những điểm sáng của việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện là mô hình trang trại chăn nuôi gà lấy trứng với công nghệ hiện đại của trang trại TaFa Việt. Trang trại này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2017, quy mô diện tích hơn 50 hecta, tại xã Trà Tân, với tổng kinh phí đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Trang trại hoạt động khép kín, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 100 triệu quả trứng gà sạch và khoảng 1.200 tấn thịt gia cầm.

Ông Trương Quang Đến, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Đức Linh cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả rất khả quan, tuy nhiên nhìn nhận thực tế trong mối tương quan với các vùng cùng điều kiện ở miền Tây thì việc liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Đức Linh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. “Ở các tỉnh miền Tây, họ làm rất tốt các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình logistics, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường… từ đó tạo đột phá cho các địa phương trong khu vực phát triển nhanh, bền vững. Có nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố làm nên thành công của quá trình liên kết sản xuất ở những địa phương này. Trong khi đó, Đức Linh cũng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân cần cù chăm chỉ nhưng lại thiếu các doanh nghiệp lớn”- ông Đến chia sẻ.

Chính vì vậy, thời gian tới, Đức Linh tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp lớn cùng hỗ trợ, hợp tác, kết nối với các HTX có ngành nghề phù hợp liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất của HTX và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản.

Thanh Nhàn