Các nước đang phát triển bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng kinh tế công nghệ xanh
Quốc tế - Ngày đăng : 09:45, 19/03/2023
Các nước đang phát triển có thể bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng nền kinh tế nhờ công nghệ xanh nếu chính phủ và các tổ chức quốc tế không có hành động quyết đoán.
Điều này đã nêu trong báo cáo công nghệ và đổi mới tại Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Còn cảnh báo về nguy cơ gia tăng bất bình đẳng kinh tế khi các nước đã phát triển thu lợi nhiều từ công nghệ xanh như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (mạng lưới vạn vật kết nối Internet) và xe điện.
Bà Rebeca Grynspan - Tổng thư ký UNCTAD cho biết: Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ dựa trên các công nghệ xanh. Làn sóng thay đổi công nghệ mới này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển phải đạt nhiều hơn nữa giá trị tạo ra trong cuộc cách mạng công nghệ này để phát triển kinh tế.
UNCTAD ước tính, công nghệ xanh có thể tạo ra cho trị giá thị trường hơn 9,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030 - gấp khoảng 3 lần quy mô kinh tế hiện tại của Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Bà Grynspan cho biết: “Bỏ lỡ làn sóng công nghệ xanh do thiếu quan tâm đầy đủ hoặc thiếu đầu tư có mục tiêu vào xây dựng năng lực, sẽ tác động tiêu cực lâu dài.
Theo UNCTAD, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghệ xanh từ các nước đã phát triển tăng lên hơn 156 tỷ USD vào năm 2021 so với năm 2018 chỉ có khoảng 60 tỷ USD.
Cùng thời điểm, các quốc gia đang phát triển tăng chỉ khoảng 57 tỷ USD lên khoảng 75 tỷ USD, với tỷ trọng trong xuất khẩu toàn cầu của các nước này đang giảm xuống dưới 33%. Chỉ một số quốc gia đang phát triển có năng lực tận dụng các công nghệ tiên tiến như chuỗi khối (hệ thống cơ sở dữ liệu dạng chuỗi – khối cho phép lưu trữ và truyền tải thông tin một cách an toàn…), máy bay không người lái và năng lượng mặt trời.
Chỉ số sẵn sàng về công nghệ tiên tiến của cơ quan LHQ xếp hạng 166 quốc gia dựa trên các tiêu chí như nghiên cứu, phát triển và năng lực sản xuất công nghiệp. Theo đó, dẫn đầu là các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Thụy Sĩ và Hà Lan. Thứ hai trong danh sách bao gồm các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
UNCTAD cho biết, Mỹ Latinh, vùng biển Caribe và châu Phi cận Sahara là những quốc gia ở thấp nhất, họ ít quan tâm việc khai thác các công nghệ tiên tiến, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội “làm giàu” từ công nghệ xanh.
Shamika Sirimanne, Giám đốc công nghệ và hậu cần của UNCTAD cho biết: “Để hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ xanh, các chính sách công nghiệp, đổi mới và năng lượng chủ động hướng tới công nghệ xanh là cần thiết ở các nước đang phát triển. Họ cần có lực đẩy và khẩn trương trong việc đưa ra chính sách phù hợp.
Khi các nước này đối phó với các cuộc khủng hoảng liên tiếp cấp bách hiện nay, họ cần có hành động chiến lược dài hạn để xây dựng năng lực đổi mới và công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng khả năng phục hồi nhanh cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Báo cáo công nghệ và đổi mới cho biết, các quốc gia đang phát triển nên bảo vệ các ngành công nghiệp xanh non trẻ của mình bằng các biện pháp thuế quan, trợ cấp và mua sắm công theo các quy định thương mại quốc tế.
UNCTAD cũng đề xuất, phương pháp tương tự được sử dụng trong đợt bùng phát Covid-19, cho phép một số quốc gia sản xuất và phân phối vắc xin mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế, nên được áp dụng. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển tiếp cận nhanh hơn với các công nghệ xanh quan trọng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết đầu tư vào năng lượng sạch sẽ đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tức còn thiếu 2 nghìn tỷ USD so với 4 nghìn tỷ USD cần thiết trong cùng giai đoạn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này cũng có nghĩa thu hút nhà đầu tư mới vào lĩnh vực này là nhu cầu cấp thiết. Cần có những nỗ lực quốc tế mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách về mức độ đầu tư cho năng lượng sạch giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.