Hàm Thuận Bắc: Tăng cường đưa giống lúa mới vào sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 10:41, 17/03/2023

Để ứng phó tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, từ năm 2021 đến nay huyện Hàm Thuận Bắc triển khai nhiều giải pháp vận động nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; đưa giống lúa mới, có khả năng kháng sâu bệnh hại vào sản xuất nhằm góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh ngành hàng lúa gạo trong tình hình hiện nay đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp TBT phối hợp Hội Nông dân các xã trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc sản xuất 10 ha lúa chất lượng cao Bắc Thịnh. Đây là giống lúa thuần, do Trung tâm giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa chọn tạo, nằm trong danh mục giống lúa được Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép sản xuất; lúa có thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày đối với vụ hè thu và từ 100 – 105 ngày đối với vụ đông xuân; lúa có khả năng thích ứng với nhiều chất đất khác nhau; với lượng giống gieo từ 8 – 10 kg/ sào; giảm gấp 2 – 3 lần so với lượng giống gieo mà nông dân đang sử dụng đối với các giống lúa truyền thống của địa phương; dù lượng giống gieo giảm nhưng năng suất đạt từ 65 – 75 tạ/ha; nếu thâm canh tốt lúa đạt năng suất từ 75 – 80 tạ/ha.

hoithaodaubo-2-.png

Ông Trần Xuân Hoạt – đại diện Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp TBT cho biết: Để giúp nông dân mạnh dạn sử dụng giống lúa Bắc Thịnh vào sản xuất, Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp TBT cung ứng giống lúa cho nông dân sản xuất và thu mua toàn bộ sản lượng lúa sau thu hoạch với giá bằng hoặc cao hơn giá lúa của địa phương theo thị trường.

hoithaodaubo-1-.png

Tại buổi hội thảo đầu bờ, ông Ngô Minh Thường – thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp sản xuất 5 sào lúa Bắc Thịnh cho biết: Việc sử dụng lượng giống gieo thưa từ 8 -12kg/sào; ở thời kỳ mạ, lúa mọc thưa; nhưng với đặc điểm nông học giống lúa Bắc Thịnh đẻ nhánh khỏe, nên đòi hỏi nông dân cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo biện pháp 3 giảm, 3 tăng vào chăm sóc để cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. So với ruộng đối chứng sử dụng giống lúa truyền thống trên cùng xứ đồng và gieo cấy cùng thời điểm cho thấy ruộng sử dụng giống lúa truyền thống thường xuyên nhiễm các loài sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn xảy ra xuyên suốt, hết bệnh đạo ôn lá rồi đạo ôn cổ bông, buộc nông dân phải phun thuốc đặc trị nhiều lần, chi phí cao. Hiện ruộng lúa giống Bắc Thịnh cho thu hoạch, năng suất đạt trên dưới 70 tạ/ha.

Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Dù sản xuất giống lúa Bắc Thịnh đã mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng để nông dân đưa vào sử dụng, sản xuất rộng rãi, Hội nông dân xã cần có sự phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp TBT về phương thức, hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản lượng lúa của nông dân.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Hàm Thuận Bắc đã vận động nông dân mạnh dạn đưa giống lúa mới nằm trong danh mục được Bộ NN & PTNT cho phép vào sản xuất, như: ST24, ST25, Đài thơm8, OM18, OM 1451... Tuy nhiên, qua sản xuất, nông dân chưa thực sự tìm ra giống lúa vượt trội về hiệu quả kinh tế so với giống lúa cũ LM 48, TH6. Do đó, trong thời gian đến Hội nông dân xã Thuận Hòa sẽ tăng cường phối hợp Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp TBT tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa Bắc Thịnh cho nông dân và tiếp tục sản xuất thử nghiệm ở nhiều chân ruộng, thời vụ khác nhau trên địa bàn nhằm so sánh tính hiệu quả kinh tế của giống lúa Bắc Thịnh với các giống lúa truyền thống địa phương.

Nguyễn Thường