Lên núi… làm giàu

Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 07/03/2023

Những cựu thanh niên xung phong khi về với đời thường, giờ ở cái tuổi lên chức ông bà nhưng vẫn mang tinh thần “xung phong” lắm. Mặc dù miệng vẫn nói “già rồi cô ơi” thế nhưng vẫn luôn tay luôn chân ra đồng, vào rẫy…

Bám ruộng làm giàu

Đức Linh sau gần 40 năm chuẩn bị cho kỷ niệm ngày tái lập huyện phải thừa nhận đã phát triển một bước rõ rệt. Một huyện miền núi xa trung tâm của tỉnh mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ấn tượng nhất là sự phát triển giao thông nông thôn. Chúng tôi về Nam Chính đều thấy sự đổi thay rõ nét ấy. Còn nhớ ngày nào, đi ra cánh đồng Nam Chính, chạy chiếc xe máy mà quăng bên này quật bên kia vì sình lầy chạy muốn rớt xuống ruộng. Nay thì đường bê tông ô tô, từ đường chỉ cần đi bộ tầm 2-3 trăm mét là đến ruộng. Đúng là về với đồng ruộng thấy thích thật, không còn cảnh nắng chói chang mà giữa cánh đồng lúa đang thì con gái, bên kia thì trĩu hạt có hẳn một căn nhà giữa những cây mận trĩu trái ngọt lịm, hay hai hàng cao su rợp bóng mát.

img_9819.jpeg
Ông Anh trên cánh đồng của mình.

Hai ruộng nhà ông Tô Đình Van và ông Lưu Hồng Anh sát cạnh nhau. Điều trùng hợp là hai người đều trồng xen canh: Lúa – sen - cá 3 vụ trên cánh đồng màu mỡ này từ bao nhiêu năm nay. Ông Van đưa chúng tôi ra đồng ruộng có xen cả sen, nhìn hai hàng cao su xanh tốt cả 800 cây bao quanh bờ ruộng thấy mà mê. Ông có 5,5 ha trồng đủ thứ, để riêng 3 sào thả sen và cá. Mùa này nắng sen hết nở không thì rực rỡ luôn. Ông kể hồi đó năm 1981 mới vào cũng khổ lắm, đồng hoang phải khai phá vừa tằn tiện vừa chịu khó giờ mới được như này.

Tương tự bước qua nhà ông Anh cũng vậy cả gần 2 ha lúa – sen - cá xen canh ruộng lúa xanh mướt. Nhìn ông thành thục đeo trên lưng chiếc máy bón phân sải bước trên đồng còn mạnh mẽ lắm. Có ai nghĩ họ từng là cựu thanh niên xung phong vì giờ trở về đời thường làm nông dân và bám ruộng cho đến nay. Nông dân thời hiện đại biết tự học hỏi, chuyển đổi cơ cấu ruộng sao cho năng suất cao nhất. Thu nhập bình quân của cả 2 từ 450 - 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí như vậy còn cũng kha khá. Ngày xưa làm ruộng vất vả lắm nay khỏe hơn nhiều vì nhờ máy móc, cần thì thuê người làm…

img_9836.jpeg
Ông Van giữa bờ cao su- lúa- sen.

Đủ nghề làm giàu

Đến nhà bà Trần Thị Thơ - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) xã Nam Chính đã thấy mấy chiếc máy to đùng để hông nhà. Nghe kể thấy mà nể thật: Cả gia đình có hơn 6 ha, trong đó có 3 ha lúa 3 vụ; 2 máy cày, 1 máy liên hoàn, 1 máy cuốn rơm. Nhà cũng trồng xen canh lúa - sen - cá. Máy móc giao cho con cái làm phụ thêm ruộng đồng, bà thì quản chung. Vừa sản xuất, vừa kinh doanh tổng thu nhập tầm 700 triệu đồng 1 năm. Hội Cựu TNXP xã bà có 85 hội viên nhưng có đến 40 hội viên tham gia câu lạc bộ làm kinh tế giỏi với chân quỹ 80 triệu đồng, sắm được cả đồng phục cho hết hội viên. Hội hoạt động khá mạnh với nhiều phong trào: Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Vì nghĩa tình đồng đội - mỗi cựu TNXP làm nhiều việc tốt: Cựu TNXP làm kinh tế giỏi vì nghĩa tình đồng đội…

img_9865.jpeg
Ông Sinh đang dẫn các đồng đội xem đàn heo sắp xuất chuồng

Rời nhà nữ Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Nam Chính chúng tôi đến nhà ông Dương Sinh và bà Vũ Thị Bình ở thôn 10, xã Đức Tín, cả 2 đều là cựu TNXP. Ông Sinh đã 86 tuổi nhưng vẫn còn khỏe. Nhìn ông cầm vòi xịt tắm cho heo còn nhẹ nhàng. Ông bà nuôi heo xưa giờ lúc nhiều nhất cả 80 - 90 con, có 6 heo nái; trồng 2 ha cao su, 1 ha điều, đất ở 2,6 sào cũng trồng đủ thứ cây trái. Nay sức yếu nên nhà chỉ còn hơn 20 con… “Giờ nghỉ ngơi cho con cháu nó làm” - ông cười, nụ cười hiền hậu. Con cái đều ổn định và khấm khá vậy là mừng rồi! Lúc chào về ông bảo con gái hái cho tôi cả rổ điều chín thơm phức về trộn cá khô hay làm nước uống cũng ngon.

img_9858.jpeg
Bà Thơ cạnh những “ cỗ máy”.

Từ Nam Chính chúng tôi về nhà ông Ngô Xuân Tiền - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tân Hà. Dáng người nhỏ con nhưng ông Tiền lại rất nhanh nhẹn, miệng nói tay làm. Vợ ông - chị Hà còn khá trẻ và cũng rất giỏi giang. Hiện hai vợ chồng đang sở hữu 2 nhà yến, 2 ha cao su, trồng cao su giống mang bán. Ngoài ra ông còn làm thầu xây dựng các công trình nhỏ… Dẫn chúng tôi ra vườn cao su cạnh đó là nhà yến ông hồ hởi: “việc nhiều quá làm không hết luôn, có khi phải bỏ cả mấy mối xây dựng”. Yến nhà nên ông mời chúng tôi ăn thử hũ yến chưng với táo, đông trùng hạ thảo mà chị Hà vừa chưng xong nóng hổi vừa ngon vừa bổ, thanh mát tận cổ. Ông Tiền nói thêm: “CLB Cựu TNXP làm kinh tế giỏi ở Đức Linh toàn huyện có 360 hội viên. Trung bình hỗ trợ giúp nhau mỗi năm 26 hội viên vốn tầm 5 triệu đồng/người và xoay vòng tới lần thứ 4 rồi!”.

img_9909.jpeg
Ông Tiền giữa vườn cao su giống.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu TNXP làm kinh tế giỏi giúp nhau vì nghĩa tình đồng đội” tỉnh, cùng đi với chúng tôi cho biết: “Đây là những mô hình làm kinh tế rất hay, các anh chị đều từ tay trắng làm nên sự nghiệp rất đáng khâm phục, sắp tới sẽ nhân rộng và biểu dương cho các địa phương khác noi theo”.

Bà Vũ Thị Ngọc Liên - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Thuận rất vui khi thấy các hội viên chịu khó làm giàu chính đáng, giúp nhau vì nghĩa tình đồng đội: “Những mô hình mới, có hiệu quả, nhất là các nông dân lại là cán bộ hội… sẽ phát huy sâu rộng phong trào này hơn trong toàn tỉnh”.

Rời Đức Linh trên những con đường giao thông được trải nhựa phẳng lì. Có những con đường bê tông hai bên được trồng hoa rất đẹp. Những vườn cao su, điều, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, nhà cửa khang trang hơn… mới thấy rõ sự đổi thay từng ngày trên phố núi này. Trong đó có sự góp sức của những cựu TNXP cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn…

Ghi chép của Hà Thu Thủy