Hơn 5.400 học sinh chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 05:47, 20/03/2023

Những năm qua, việc triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định.

HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may bị ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh (KCB), mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. Tuy việc tham gia BHYT có mức phí nhỏ, song đem lại rất nhiều lợi ích lớn, qua đó góp phần khẳng định sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn, tính ưu việt, hấp dẫn của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ. Chính sách BHYT HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía HSSV và các bậc phụ huynh.

img_3055.jpg

Từ năm học 2020 - 2021 tỉnh Bình Thuận đã đặt chỉ tiêu tất cả các trường học có 100% HSSV tham gia BHYT. Qua các năm sau đó Bình thuận đều đạt ở mức 97 - 98% số HSSV tham gia BHYT. Đến đầu tháng 3/2023 toàn tỉnh có 241.094 học sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97,8%.Trong đó, có 205.339 em tham gia tại trường học, 35.755 em tham gia theo nhóm khác (hộ gia đình nghèo, cận nghèo). Trong tháng 2/2023, số HSSV tham gia BHYT tăng 1.355 em so với tháng trước. Song, hiện vẫn còn hơn 5.400 em chưa tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 2,2% tổng số HSSV. Số chưa tham gia chủ yếu là HSSV tham gia có thời hạn ngắn (3 tháng, 6 tháng), đến nay thẻ đã hết hạn, nhưng chưa tham gia lại; người dân tộc thiểu số, người thuộc xã bãi ngang không còn được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT (Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam) được quy định, luật hóa một cách thống nhất mang tính bắt buộc. Thực hiện tốt chính sách này không chỉ bảo đảm cho các em được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu mà còn tạo điều kiện giúp học sinh được phát triển toàn diện về trí tuệ và thể lực. Khi đăng ký tham gia BHYT, HSSV được Nhà nước hỗ trợ một phần mức phí đóng. Nếu không tham gia BHYT, cá nhân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng về hành vi không đóng BHYT của đối tượng bắt buộc tham gia BHYT (theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Theo quy định của pháp luật thì đối tượng tham gia BHYT là học sinh sẽ thực hiện việc đóng tiền BHYT cho nhà trường nơi đang theo học. Song, trên thực tế có nhiều học sinh còn thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng như: Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; con của đối tượng công an, bộ đội đang phục vụ… Do đó, những học sinh thuộc nhóm đối tượng nói trên thì không phải đóng tiền BHYT cho trường học.

Khi HSSV tham gia BHYT thì được hưởng các quyền lợi như: Đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Đối với trường hợp khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến, HSSV được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đối với trường hợp KCB không đúng tuyến, tại bệnh viện tuyến Trung ương bằng 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú.

Có thể nói, chính sách BHYT HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía HSSV và phụ huynh. Để thực hiện mục tiêu tất cả các trường học có 100% HSSV tham gia và có thẻ BHYT các địa phương, cơ sở giáo dục đã rà soát, đưa vào tiêu chí chấm điểm thi đua của năm học; có chính sách khen thưởng các trường học vận động tất cả HSSV tham gia BHYT, chăm sóc tốt sức khỏe cho học sinh tại học đường.

H. Nhật