Bộ GTVT kiến nghị Thanh tra Chính phủ gỡ khó vật liệu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Trong nước - Ngày đăng : 08:58, 20/03/2023

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Đoàn Thanh tra liên quan đến việc sử dụng vật liệu đất dôi dư thu hồi trong quá trình thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Đoàn Thanh tra liên quan đến việc sử dụng vật liệu đất dôi dư thu hồi trong quá trình thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

img-bgt-2021-z3703235853837-3ff6d7b1764f2c77c63c6d0ec59c2e5f-1679192620-width700height393.jpg

Hạng mục đường gom dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vẫn đang ngóng nguồn đất đắp để tăng tốc tiến độ - Ảnh minh họa.

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km. Trong đó, có hơn 51 km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, giải quyết các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, bên cạnh việc thực hiện các thủ tục cấp phép các mỏ đất cho dự án theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ, cấp cho các nhà thầu tại 5 vị trí.

"Tổng trữ lượng được cấp tại các vị trí này khoảng hơn 2,1 triệu m3 với hình thức lập hồ sơ cải tạo hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng, vật liệu đất dôi dư trong quá trình thực hiện được thu hồi để sử dụng cho dự án với thời hạn đến ngày 31/12/2022, phù hợp với tiến độ ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký.

Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan như: dịch bệnh Covid-19 năm 2021, điều kiện thời tiết bất lợi, khan hiếm vật liệu đắp nền ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thời gian thực hiện các gói thầu phải gia hạn đến ngày 30/4/2023”, Bộ GTVT thông tin và cho biết, nhu cầu vật liệu đất đắp còn lại khoảng 620.000 m3.

Để đảm bảo tiến độ, các nhà thầu đã triển khai thủ tục trình UBND tỉnh Đồng Nai xin gia hạn thời gian khai thác 5 vị trí nói trên với trữ lượng còn lại khoảng 960.000 m3 nhưng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Nguyên nhân do Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trọng quốc gia. Trong đó, có dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo Bộ GTVT, dự án muốn đảm bảo thời gian đưa dự án vào khai thác trước ngày 30/4/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vật liệu cần phải có trong tháng 3/2023 để thi công, hoàn thành đồng bộ các hạng mục đường đầu cầu vượt ngang, hệ thống đường gom trên tuyến.

Việc hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh Duyên hải Nam trung Bộ, giảm tình trạng ùn tắc, hạn chế TNGT.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị trong khi chờ kết luận chính thức của Đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ, Đoàn thanh tra xem xét có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai cho phép thực hiện thủ tục gia hạn các vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp đã cấp cho dự án để đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, để đáp ứng tiến độ bàn giao hạng mục đường gom, yêu cầu đặt ra là việc gia hạn khai thác đất phải xong trong tháng 3/2023. Trong tháng 4/2023, công tác đắp đất phải hoàn thiện.

Nếu chậm trễ, sang tháng 5 thời tiết khu vực bước vào mùa mưa, công tác đắp đất sẽ rất khó thi công (một ngày mưa, việc thi công đất phải tạm dừng 3 - 4 ngày mới có thể thi công trở lại), tiến độ hoàn thành đường gom, đưa dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác đồng bộ sẽ rất khó đáp ứng.

H Lan (Tổng hợp)