Về nguồn để “Giữ trọn lời thề đảng viên”
Giữ trọn lời thề Đảng viên - Ngày đăng : 05:18, 21/03/2023
Từ nguyện vọng của các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, cán bộ qua các thời kỳ, nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy tập trung nguồn vốn đầu tư hơn 127 tỷ đồng xây dựng, phục chế bài bản, khánh thành Khu Di tích căn cứ Sa Lôn đầu năm nay cho mọi người dân có dịp tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử hào hùng.
Điểm nhấn Sa Lôn
Khu di tích như điểm nhấn cho các thế hệ hôm nay mỗi khi về nguồn tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương, nhất là sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mỹ cứu nước, góp phần vào hòa bình, thống nhất non sông. Ngày nay, với cán bộ, đảng viên trong tỉnh khi về nguồn đến địa danh này càng thấm nhuần hơn chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để mỗi người “tự soi, tự sửa” với các lời thề khi vào Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân trên mỗi lĩnh vực công việc được giao. Việc làm ấy là hưởng ứng tích cực đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” đang được Tỉnh ủy triển khai trong toàn tỉnh.
Đường ĐT. 714 lên xã vùng cao Đông Giang đã được nâng cấp bê tông nhựa mấy năm nay, thuận tiện đi lại so nhiều năm trước. Qua trung tâm xã không xa, phía trái ĐT. 714, tấm bảng to rõ chỉ dẫn cho khách tham quan vào Khu Di tích căn cứ Sa Lôn. Con đường lên căn cứ được thi công hoàn thành láng nhựa (theo dự án xây dựng tổng thể khu di tích này) dẫn từ ngoài ngã ba Đông Giang vào. Đường men theo những cánh rừng khộp bên ngoài, rồi vào sâu giữa những cánh rừng già đầy cây bằng lăng cổ thụ. Khung cảnh hoang sơ, đẹp đẽ chẳng khác gì các tuyến đường du lịch dẫn lên đồi thông cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng). Chẳng mấy chốc, đoàn chúng tôi đã có mặt ở trung tâm Khu Di tích căn cứ Sa Lôn trong tiết trời se lạnh; vài đoàn khách trong tỉnh đã lên trước đang tỏa ra tham quan ở đây.
Gặp cựu chiến binh chiến trường xưa
Ở Khu di tích lịch sử này, ai cũng muốn chinh phục khu di tích gốc để tận mắt thấy được hình ảnh được phục dựng của cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân 3 lần trong kháng chiến chống Mỹ (từ tháng 12/1954 - 6/1957, giữa năm 1961 - tháng 12/1964, tháng 9/1968 - tháng 8/1970). Ở đây có hầm, lán, trại, hội trường, bếp Hoàng Cầm, chòi nghỉ chân... Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng leo hơn 800 bậc tam cấp uốn lượn lên tới đỉnh núi bên trên để mục sở thị các lán trại của một thời chiến tranh ác liệt. Trong hành trình thử sức ấy, chúng tôi tình cờ gặp những cựu chiến binh áo xanh quân ngũ, có cả vài cô, chú lớn tuổi đang hăm hở leo núi. Họ vừa đi vừa cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng dừng lại một lán trại ở sườn núi nghỉ chân, lấy sức. Tôi cũng đã đổ mồ hôi tranh thủ vào lán của các bác đang nghỉ, hỏi thăm vài người lính già chuyện về nguồn. Ông Trần Hữu Thành, mang bộ quân phục ngả màu, tươi cười cho biết: “Chú năm nay đã 79 tuổi, không xa lạ vùng rừng núi Sa Lôn hiểm trở này, bởi những năm tháng chiến tranh, chú ở khu vực suối Chín Khúc khu căn cứ này, đảm trách các bộ phận khác nhau, bảo vệ cơ quan đầu não của ta. Giờ trở lại thăm bồi hồi nhớ về một thời nằm gai nếm mật, cán bộ chiến sĩ chia sẻ khó khăn, vượt qua thiếu thốn đủ bề trong những lần địch càn quét lên chiến khu. Bên cạnh tấm lòng của những người dân, cả đồng bào dân tộc K’ho trong vùng hết lòng hỗ trợ trong điều kiện có thể cho cách mạng những năm kháng chiến gian khổ, góp phần cho căn cứ Sa Lôn đứng vững trong cuộc chiến khốc liệt đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Hình ảnh phục dựng lán trại của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, hội trường… cơ bản giống ngày trước; cùng với con đường lên khu di tích gốc được nâng cấp kiên cố, đẹp đẽ, đại ngàn Sa Lôn phủ bóng cây rừng tươi xanh. Tất cả khung cảnh di tích căn cứ Sa Lôn ngày nay thật hoành tráng giữa núi rừng xanh tươi, hùng vĩ, vẫn đảm bảo các nét di tích gốc một thời chiến tranh ác liệt. Không chỉ những người cựu chiến binh như chúng tôi mà nhiều đoàn khác đến đây sẽ có dịp tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng một thời, để tự hào và có trách nhiệm làm tốt hơn công việc của mỗi người trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển”.
Trong lần gặp mặt những cựu chiến binh thôn Thuận Điền tình cờ ấy, tôi còn được cô Trần Thị Bích Liên (73 tuổi) vợ chú Trần Hữu Thành kể: “Cô từng là diễn viên Đoàn Văn Công Thống Nhất (Bình Thuận) đóng chân một thời ở khu căn cứ Sa Lôn, cùng anh chị em trong đoàn không chỉ biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ khu căn cứ này mà còn sang các khu căn cứ khác như ở núi Ông (Tánh Linh), Đèo Nam; Cà Tót thuộc 2 xã Đông Giang, Đông Tiến ngày nay. “Tiếng hát át tiếng bom” góp phần động viên cổ vũ bộ đội, dân công trong những năm tháng ở chiến trường Bình Thuận”. Lần đầu tiên trở lại Khu Di tích Sa Lôn, cô Bích Liên không khỏi bồi hồi, xúc động; cô đã cùng chồng leo hàng trăm tam cấp lên tới đỉnh núi để được thấy toàn cảnh di tích đã được phục dựng, ôn lại kỷ niệm những năm tháng gian lao mà anh dũng trong chiến tranh…
Chi hội Cựu Chiến binh thôn Thuận Điền về nguồn hôm ấy hơn 20 người; chỉ một số ít hoạt động ở Khu căn cứ Sa Lôn trước năm 1975, còn phần đông là quân tình nguyện tham gia chiến trường Campuchia giúp nước bạn. Nhiều người trong đoàn chia sẻ: “Sau chuyến đi này, về sinh hoạt ở Chi hội Cựu Chiến binh thôn Thuận Điền, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn cùng người dân địa phương phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội, góp phần để xã Hàm Liêm anh hùng ngày càng giàu đẹp. Với những đảng viên trong Chi hội Cựu chiến binh càng quyết tâm hơn, tự soi, tự sửa hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”, để luôn giữ vững tinh thần “đảng viên đi trước”, thực hiện tốt chức trách của người đảng viên, luôn giúp đỡ bà con khi gặp khó khăn, hoạn nạn, cùng người dân địa phương giữ vững danh hiệu “Thôn Văn hóa Thuận Điền” của xã Hàm Liêm anh hùng”.