Thanh toán bảo hiểm y tế khi khám lưu động tại nhà?

Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 05:53, 21/03/2023

Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, liệt… việc di chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh rất khó khăn. Có ý kiến thành lập tổ y tế lưu động khám, kê đơn thuốc tại nhà. Sau đó, nhập tên người bệnh lên hệ thống khám chữa bệnh để người bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT).

Bệnh hiểm nghèo xu hướng tăng

Những năm gần đây, bệnh ung thư, tai biến mạch máu não là những bệnh gây tử vong nhiều, với tỷ lệ mắc ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa. Theo Bộ Y tế, ước tính tại Việt Nam cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh. Ca mắc ung thư ngày càng trẻ hóa, hơn 350.000 người Việt đang "sống chung" với bệnh này. Cùng với đó, tai biến mạch máu não ngày càng cao, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống, nhưng bị di chứng liệt nửa người, nói ngọng, méo miệng, đời sống thực vật, tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hòa nhập cuộc sống bình thường.

Bà T.T.M. (ngụ TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Chồng tôi bị tai biến mạch máu não được cứu sống kịp thời, nhưng bị di chứng liệt nửa người. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều do tôi và các con cùng nhau chăm sóc. Về phần khám chữa bệnh thì có thẻ BHYT, gia đình cũng đỡ lo nhiều về chi phí điều trị. Tuy nhiên, người bệnh liệt nửa người rất khó khăn trong chuyện đưa đến cơ sở khám chữa bệnh theo định kỳ. Vì vậy, gia đình mong muốn khám, cho toa thuốc tại nhà và được thanh toán BHYT”. Không riêng gì trường hợp của chồng bà M. mà không ít trường hợp khác mắc bệnh hiểm nghèo không thể tự vận động cơ thể, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân giúp, càng khó khăn hơn khi đến cơ sở khám chữa bệnh theo định kỳ.

Y tế lưu động khám tại nhà

Theo Trung tâm Y tế Phan Thiết, qua tình hình khám chữa bệnh hiện nay, một số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, liệt… việc di chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh rất khó khăn. Trung tâm Y tế Phan Thiết gửi văn bản cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận xin ý kiến trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho những trường hợp trên. Bằng cách lập tổ y tế lưu động gồm 1 bác sĩ và điều dưỡng đến nhà trực tiếp thăm khám cho những bệnh nhân này để kê đơn thuốc và chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng nếu có. Sau đó nhập tên người bệnh lên hệ thống khám chữa bệnh để người bệnh được hưởng chế độ BHYT. Xin ý kiến về cách làm này để việc chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được hoàn thiện và đảm bảo tính công bằng cho người tham gia BHYT.

Theo mục 1, 2 điều 2 của Luật Khám chữa bệnh ngày 23/11/2009 của Quốc hội quy định, khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực tế. Khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận. Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc được phép lưu hành để cấp cứu điều trị chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận trả lời: Căn cứ quy định tại điều 31, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội hiện chưa có quy định về chế độ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với hình thức khám chữa bệnh lưu động tại nhà người bệnh có thẻ BHYT. Vì vậy, ý kiến của Trung tâm Y tế Phan Thiết chưa có cơ sở để giải quyết.

Thiết nghĩ, ý kiến đề xuất của Trung tâm Y tế Phan Thiết phù hợp với mô hình bệnh tật, nhu cầu cần thiết của người tham gia BHYT. Các bộ, ngành xem xét và có hướng điều chỉnh theo phát sinh mô hình bệnh tật, đặc biệt các trường hợp như đã đề cập để quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng hơn.

TRANG MINH