Kỳ vọng phục hồi thị trường khách quốc tế

Kinh tế - Ngày đăng : 05:22, 22/03/2023

Từ khi dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát, du lịch Bình Thuận cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và đang dần tiệm cận với tốc độ phát triển như thời điểm dịch chưa bùng phát. Tuy nhiên cũng như cả nước, điểm đến Bình Thuận cũng gặp khó khăn trong thu hút khách quốc tế, dù thời gian qua địa phương và doanh nghiệp đã sẵn sàng các phương án, điều kiện để đón khách…

Du lịch là một trong những ngành kinh tế gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19, khiến lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vừa được tổ chức vào giữa tháng này, vấn đề này cũng được tập trung làm rõ. Nhất là về kết quả triển khai đón khách quốc tế kể từ khi Chính phủ quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, trở lại đón khách quốc tế cách đây một năm (từ 15/3/2022)… Với chủ đề như trên, hội nghị còn là dịp để đại diện các Bộ ngành liên quan, địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực du lịch thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên. Qua đó góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững mà mục tiêu trước mắt đặt ra là Việt Nam phấn đấu đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

z4004029609475_e35915184fc9cd86a52083b15d3f9219.jpg
Nhiều resort trên tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né đã đón phục vụ lượng khách quốc tế đông trở lại trong thời gian gần đây.

Nhìn lại thời điểm trước dịch Covid - 19, lượng khách quốc tế chọn đất nước “hình chữ S” là điểm đến nghỉ dưỡng trong vòng 4 năm ghi nhận tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 đã tăng lên 18 triệu lượt vào năm 2019. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 22,7%/năm của du lịch Việt Nam, theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thì đây là mức cao hàng đầu thế giới… Song thời kỳ hậu đại dịch, cụ thể là trong năm 2022 cả nước chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế (bằng 70% kế hoạch đề ra), riêng du lịch Bình Thuận với nhiều nỗ lực đã thu hút 87.700 lượt (dù tăng 3,7 lần so năm 2021, nhưng chỉ bằng đạt 41,8% kế hoạch).

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt của Du lịch Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế trong khu vực cũng như thế giới… Dù vậy, lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn chưa đạt kết quả được như mong đợi, mặc dù toàn ngành rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Nguyên nhân là các doanh nghiệp du lịch trong nước chưa chủ động thích ứng, kết nối lại với thị trường và đẩy mạnh khai thác thị trường mới. Dường như vẫn còn trông chờ và phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi các thị trường nguồn khách lớn, truyền thống của du lịch Việt Nam còn chưa mở cửa do tác động tiêu cực từ đại dịch.

Thêm nguyên nhân nữa là, chính sách visa hiện có nhiều đổi mới, tiến bộ song trong triển khai lại chưa sát thực tế để tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam cũng chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so các nước trong khu vực. Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn (do đã chuyển ngành trong thời gian dịch bệnh), sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới…

Trước tình hình chung, du lịch Bình Thuận cũng mong muốn những khó khăn, vướng mắc sớm được cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ như trong việc tạo hành lang hỗ trợ cho du khách quốc tế vào Việt Nam được dễ dàng, thuận lợi hơn. Đồng thời quan tâm và phân bổ kinh phí xúc tiến quảng bá theo vùng, khu vực hoặc theo chủ đề để những địa phương có thế mạnh về du lịch đều được “ghi tên”, xuất hiện trong các ấn phẩm, sản phẩm, chương trình xúc tiến quảng bá của ngành bên cạnh tỉnh, thành trọng điểm sở hữu di sản thế giới thu hút đông khách quốc tế… Nghiên cứu thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở một số thị trường trọng điểm nhằm hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế là thị trường nguồn, thị trường truyền thống, thị trường mới nổi. Cùng với đó phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò cầu nối của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến quảng bá du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có Bình Thuận.

Với tình hình thực tế, điểm đến Bình Thuận cũng kỳ vọng sẽ phục hồi thị trường khách quốc tế ngay trong năm nay bởi địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, điều kiện khí hậu thuận lợi, giao thông đối ngoại dần được hoàn thiện… Theo kế hoạch năm 2023, Bình Thuận đặt mục tiêu thu hút khoảng 6.720.000 lượt khách (trong đó có 220.000 lượt khách quốc tế) với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 16.500 tỷ đồng. Trong quý đầu tiên của năm, toàn tỉnh ước đón trên 2.080.000 lượt khách (tăng hơn 115% so cùng kỳ năm ngoái), riêng khách du lịch quốc tế có khoảng 61.840 lượt khách (tăng hơn 625% so cùng kỳ)… Những tín hiệu tích cực cùng với việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận có thể vươn tới những chỉ tiêu cao hơn, nhất là trong nỗ lực phục hồi thị trường khách quốc tế.

Đ.QUỐC